Áp dụng biện pháp ngăn chặn với người cố tình xâm phạm hiện trường vụ án

ANTD.VN -Sau khi vụ việc liên quan đến phóng viên Trần Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) và chiến sỹ công an Hà Nội xảy ra trên cầu Nhật Tân, CATP Hà Nội đã kiểm tra, xác minh và thông tin công khai, kịp thời về kết quả điều tra, xử lý. Để làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội.

PV: Theo thông tin được công bố thì CATP Hà Nội đã không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên. Theo Luật sư, đâu là căn cứ của quyết định này?

Luật sư Lê Hồng Vân: Theo Điều 100 Bộ luật TTHS, vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi xác định có dấu hiệu của tội phạm. Còn đối với tội Cố ý gây thương tích, kết quả giám định tỷ lệ thương tật của người bị hại là căn cứ không thể thiếu để khởi tố vụ án. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, sau khi nhận được đơn trình báo, mặc dù cơ quan điều tra đã triển khai việc kiểm tra các dấu vết trên thân thể, đồng thời đề nghị trưng cầu giám định nhằm đánh giá mức độ thương tích, ảnh hưởng sức khỏe đối với anh Trần Quang Thế, song anh Thế đã từ chối. Bên cạnh đó, anh Thế cũng không có yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây thương tích. Do vậy, đối chiếu với quy định hiện hành, theo tôi, quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này là có cơ sở.

Hiện trường vụ án không nhất thiết phải có căng dây...

PV: Một số cá nhân cho rằng, hành động xô xát bằng chân tay của chiến sỹ công an Nguyễn Quang Hưng với anh Trần Quang Thế cần bị xử lý nghiêm. Quan điểm của luật sư về vấn đề này?

Luật sư Lê Hồng Vân: Mặc dù hành vi của chiến sỹ Nguyễn Quang Hưng chưa gây ra hậu quả đối với sức khỏe của anh Thế, song theo Quy tắc ứng xử của sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân viên chức trong CAND (ban hành kèm theo Quyết định 893/2008/QĐ-BCA) và Thông tư 16 của Bộ Công an, chiến sỹ Hưng đã vi phạm quy tắc ứng xử nên bị xử lý kỷ luật với mức cao nhất là khiển trách.

 PV: Trong sự việc trên, anh Trần Quang Thế đã có một số hành vi vi phạm hành chính. Quan điểm của Luật sư về những vi phạm đó?

Luật sư Lê Hồng Vân: Căn cứ vào sự việc đã xảy ra, anh Thế có thể bị xử lý hành chính do vào khu vực cấm mà không xin phép, không được phép; Cản trở hoạt động đúng pháp luật của các tổ chức cá nhân; Đỗ xe mô tô trên cầu, không chấp hành yêu cầu của người điều khiển giao thông… Tuy vậy, cần dựa trên mức độ vi phạm để quyết định mức phạt cho phù hợp.

PV: Hiện có một số ý kiến cho rằng, tại thời điểm xảy ra sự việc, nơi anh Thế đi vào không phải khu vực bảo vệ hiện trường do không có biển báo, không được căng dây. Đây cũng không phải là khu vực cấm, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Luật sư nghĩ sao về vấn đề này?

Luật sư Lê Hồng Vân: Theo quy định hiện hành, bảo vệ hiện trường là việc sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng có thể gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá vụ án. Nguyên tắc bảo vệ hiện trường là  không làm gì, không  cho ai làm gì để hiện trường có thêm dấu vết, dấu vết bị xáo trộn. Trong trường hợp khẩn cấp chưa có dây căng, lực lượng bảo vệ hiện trường có quyền yêu cầu những người không có nhiệm vụ không được xâm phạm hiện trường, đồng thời mỗi cá nhân trong lực lượng này có thể biến thành những cột mốc để xác định khu vực hiện trường.

Còn về bí mật Nhà nước, Quyết định 13/2010/QĐ-Ttg của Thủ tướng đã nêu rõ: Hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng CAND là bí mật thuộc mức độ tối mật. Do vậy, hoạt động bảo vệ, khám nghiệm hiện trường là hoạt động thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Mọi cá nhân không có nhiệm vụ không được phép tiếp cận khu vực, địa điểm cấm và nơi cất giữ bí mật Nhà nước. Nếu họ cố tình  xâm phạm hiện trường thì người thi hành công vụ cần áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn.