Ao tù "cứu nguy" cho cả làng Ngọc Than

ANTĐ -Thật trớ trêu cho sự phát triển đô thị hóa quá “nóng” của ngoại thành , nó đã làm cho hàng nghìn người dân phải khát, nó đã làm lòng đất kiệt quệ tài nguyên...
Ai ngờ, cái ao làng giờ nó lại cứu nguy cho cái làng quê thanh bình Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội như vậy. Câu chuyện phải ăn nước ao tù ô nhiễm này nghe không lạ, nhưng lại rất “cá biệt” bởi cái thôn này nằm ngay cạnh đường ống lớn, dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội.

Ước nguyện của dân về việc kéo đường ống nước sạch về dùng để được đóng tiền xem ra rất khó thực thi, bởi tiếng nói người dân Ngọc Than than không thấu đến đâu cả. Chính vì vậy mà cả làng phải “bó tay”, thôi đành ăn nước ao tù vậy.

Chuyện cực chẳng đã này đã xảy ra từ 3 năm trở lại đây khi những mũi khoan thấu vào lòng đất đến cả trăm mét mà vẫn khô như ngói. Tiền mất, nước không có. Điêu đứng đủ đường. “May mà có cái ao làng không thì chết khát hết!”- một người dân thôn Ngọc Than than thở. Nhìn cái ao có hàng trăm cái vòi cắm xuống hút nước về sinh hoạt người ta chợt giật mình thon thót khi cái tin truyền miệng nhau về những căn bệnh y học bó tay.

Ăn nước ao là chuyện đang hiện hữu tại làng Ngọc Than, mà nước áo tù, đặc biệt hơn cái ao này rất đa dụng với bà con nơi này, góc ao phía ngoài thì chăn nuôi xả phân thối nhức mũi xuống cho cá ăn, góc gần làng thì giặt rũ quần áo, tắm rửa, bơi lội, vo gạo, rửa rau… Thế đấy, nếu không ăn nước ao thì chết khát. Giữa cái sự sống và cái chết, thôi thì bẩn cũng đành phải nhắm mắt đưa nước…vào miệng vậy.

Chùm ảnh:
Một người dân sửa ống dẫn nước bị hỏng

Một góc ao ô nhiễm nặng

Những vòi ống máy bơm nước về từng hộ gia đình sinh hoạt

Một người đãi cát để lọc nước ao cho sinh hoạt gia đình

Người dân sử dụng cách lọc nước rất thủ công

Tắm cạnh máy bơm

Những đường ống dẫn nước "gác" chằng chịt với đường dây điện

Lấy nước về thôn

Có nhiều gia đình phải kéo đường ống 1 km chỉ để lấy nước...ao

Giặt giũ cũng đây...

...rửa đồ cũng đây...

...nước sinh hoạt cũng từ đây...

Nước ao ô nhiễm nặng 

Góc xa là nơi nuôi nhốt lợn

Cả làng sống dựa vào ao