Ảo thuật trên đường phố

ANTĐ - Trên sân khấu, khán giả chỉ có thể xem những tiết mục ảo thuật đã được sắp đặt sẵn. Còn với ảo thuật đường phố, họ được thưởng thức những tiết mục ngẫu hứng của ảo thuật gia. Mọi khán giả đều có thể kiểm tra và cùng tham gia vào phần trình diễn. 

Ảo thuật trên đường phố  ảnh 1
Các vị khách nước ngoài rất thích thú khi được tham gia vào tiết mục cùng các ảo thuật gia đường phố

Màn nghệ thuật mới mẻ

Tại Hà Nội, vào một ngày đẹp trời, phóng xe quanh hồ Gươm, hồ Tây hay dạo bước qua những con phố cổ... bạn có thể dễ dàng bắt gặp các ảo thuật gia 8x, 9x đang say sưa với những quân bài, đồng xu… Đó là chính là ảo thuật đường phố - Street Magic.

Có nguồn gốc từ phương Tây, ảo thuật đường phố là một nhánh của ảo thuật sân khấu. Để ảo thuật đến gần hơn với đông đảo công chúng mà đặc biệt là giới trẻ, các ảo thuật gia đem chúng ra diễn trên các hè phố, công viên... Cũng như trên sân khấu, bộ môn này đòi hỏi người tham gia phải có một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đôi bàn tay khéo léo, nghệ thuật đánh lạc hướng và hơn hết là khả năng cuốn hút khán giả.

Cách đây vài năm, môn nghệ thuật này đã được du nhập vào Việt Nam thông qua các du học sinh tại nước ngoài và ngày càng phát triển nhờ Internet. 

Hướng đi mới 

Với mong muốn được sống bằng chính niềm đam mê của mình, cách đây gần 1 năm, Trịnh Hải (SN 1991) và Trịnh Duy Anh (SN 1985) - 2 thành viên của nhóm ảo thuật SOS tại Hà Nội đã nảy ra ý tưởng kết hợp giữa ảo thuật đường phố vào các tour du lịch. Hải cho biết: “Khi ý tưởng này được đưa ra, bọn mình thấy nó vô cùng khả thi. Nhưng khi bắt tay vào để đưa nó trở thành hiện thực thì gặp nhiều khó khăn”. Khó khăn đầu tiên là về vấn đề đạo cụ biểu diễn. Các phụ kiện, đồ nghề như: “bộ bài, đồng xu, giấy, vali…” đều phải đặt từ nước ngoài và giá thành của chúng khá đắt. Thậm chí, có nhiều bộ bài chỉ để phục vụ riêng cho một màn biểu diễn.

Khó khăn thứ hai chính là rào cản ngôn ngữ. Hồi đó, Hải thường đi bộ xung quanh hồ Gươm hay các khu phố cổ để biểu diễn cho các các vị khách nước ngoài. Cách làm ấy vừa để nâng cao trình độ ngoại ngữ, vừa thăm dò thái độ của khách du lịch với bộ môn nghệ thuật còn mới mẻ này. Anh cho rằng: “Khi diễn ảo thuật, đặc biệt là ảo thuật đường phố, cách thu hút khán giả tốt nhất là phải pha trò cười để tạo cho họ cảm giác thoải mái. Chính vì vậy mà việc trao đổi bằng ngoại ngữ trong khi diễn cũng góp phần làm cho các “chiêu trò” của mình trở nên hấp dẫn hơn. Việc thông qua phiên dịch sẽ làm chậm cảm xúc của du khách hoặc nhiều khi họ không dịch đúng như ý nghĩa hài hước mà mình đã đưa vào câu nói”.

Khi đã vững vàng tay nghề, Hải và Duy Anh bắt đầu liên lạc với một vài công ty du lịch. Họ đồng ý ngay bởi đây là một cách làm rất mới, đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên cho du khách. Phần lớn các tour mà các bạn được mời biểu diễn đều có nhiều trẻ em. Những phụ huynh người nước ngoài muốn tặng cho con cái họ một món quà bất ngờ. Ảo thuật gia sẽ đứng diễn tại địa điểm mà công ty du lịch chỉ định. 

Có lần, Trịnh Hải đi diễn cho khách du lịch, những người dân hiếu kỳ đi dạo quanh hồ Gươm cũng vây quanh để xem. Họ vỗ tay tán thưởng ồn ã cả một góc hồ. Thấy vậy, Hải cũng ngẫu hứng biểu diễn thêm mấy tiết mục từ những thứ đồ vật mang trong người như giấy ăn, thìa, chun…

Nhờ lần diễn đó mà đã có thêm một vài công ty du lịch mời hai bạn cộng tác. Diễn cũng nhiều nhưng cũng có khi hai chàng trai gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Có lần, Hải gặp phải 1 vị khách nước ngoài khó tính. “Ông tây” này đòi được tự tay tráo bài và kiểm tra túi quần, túi áo của ảo thuật gia. Tuy nhiên, Hải vượt qua tất cả những bài kiểm tra khó khăn để hoàn thành tiết mục một cách xuất sắc. Cả đoàn khách du lịch “phục sát đất” và còn “boa” thêm tiền cho anh chàng này.