Áo cưới không còn trắng

ANTĐ - Yêu thì đòi bạn gái phải hết mình, cưới lại chỉ muốn vợ còn trinh tiết. Chính quan niệm “tăm tối” như vậy mà đằng sau những bộ váy cưới trắng muốt, nụ cười roi rói hạnh phúc của cô dâu là những nỗi bất hạnh, đớn đau. Và tôi, một chủ ảnh viện đã chứng kiến nhiều nỗi đau như thế.

Kế hoạch “lừa dối”

Cô gái ấy tên My, là khách hàng đến chỗ tôi thuê áo cưới và chăm sóc da mặt trước khi kết hôn. Càng đến gần ngày lên xe hoa, da mặt cô ấy càng xám ngoét, mắt thâm quầng vì mất ngủ. Tôi vừa mát-xa mặt cho My, vừa tỉ tê khuyên giải nên dẹp lo nghĩ, bận bịu để có thể toàn tâm, toàn sức lo cho đám cưới. Bất chợt cô gái òa khóc. Có lẽ, cô ấy đã không tìm được người để chia sẻ nỗi ấm ức của mình. 

Trước khi kết hôn, My đã có một người bạn trai từ thuở học trò. Mối tình đầu đầy mơ mộng, xốn xang, tươi đẹp. Rồi mỗi người đỗ một trường đại học, nhưng kẻ vào Nam, người ra Bắc. Trong đêm chia tay đầy nước mắt, chẳng biết ma xui quỷ khiến nào, My lại lỡ trao “cái ngàn vàng” cho người ấy. Nhưng rồi xa xôi, cách trở, chẳng thể giữ được tình yêu. Cô không ân hận về quá khứ, luôn nỗ lực vươn lên và rất tự hào về bản thân. Chuyện đã xảy ra cách đây 7 năm. Hiện giờ, My rất ưng ý về chồng sắp cưới. Anh ấy vừa tốt tính, hòa nhã lại kiếm ra tiền. Anh còn giúp em trai cô xin việc, giúp tiền cho bố mẹ cô xây nhà. Chỉ sau nửa năm quen nhau, hai người đã chuẩn bị đám cưới. 

Vì tình yêu học trò ngắn ngủi nên khi người yêu hỏi đã yêu ai chưa, cô đã nói là chưa từng yêu. Cũng bởi vì, cô cho rằng cô không còn trinh tiết sẽ không ảnh hưởng đến việc cô sẽ dành tất cả tình yêu, tâm sức để làm một người vợ hiền, người mẹ đảm, cùng chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Cũng vì chồng cô chưa một lần hỏi cô rằng có còn trinh tiết hay không nên cô cũng chẳng có cơ hội giãi bày. Nhưng khi quyết định làm đám cưới, chồng cô có đưa cô về ra mắt gia đình. Cô có nhiều thời gian tâm sự với mẹ chồng. Mẹ cô tỉ tê rằng “truyền thống gia đình” là các cô con dâu đều còn trinh tiết. Vì chồng cô cam đoan cô chưa yêu ai, rất ngoan hiền, trong sáng nên bà mới không “kiểm tra”. Chứ nếu không trinh trắng thì có xinh đẹp, giỏi giang bằng giời, nhà bà cũng lót lá chuối đuổi đi. 

Có thế thôi, nhưng My thực sự sốc. Và kể từ đó, càng đến ngày gần đám cưới, cô càng cảm thấy cuộc đời mình sắp sa xuống địa ngục. Cô không thể nói thật, cũng không thể từ bỏ. Vì cô thực sự yêu chồng tương lai và cũng có quá nhiều món nợ tình, nợ của cần phải trả cho người ấy. Nhìn My ngập trong nước mắt, tôi đã bày cho cô ấy một lối thoát để “làm đẹp mặt chồng”, với một chút bông tẩm máu bồ câu trước khi “động phòng” - một thủ thuật tôi đã học được từ vài người bạn sương gió trước đây. 

My đã nghe tôi. Sau đám cưới, cô ấy gặp tôi với nụ cười tươi rói. Tôi cũng không hối hận vì đã âm mưu “dàn cảnh”. Vì tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau.

1001 nỗi đau

Giống như My, nhiều cô gái đến thuê áo cưới, rồi trở thành khách hàng chăm sóc sắc đẹp để đợi ngày lên xe hoa. Họ chia sẻ với tôi câu chuyện tình yêu, ấp ủ những dự định, xây dựng giấc mơ gia đình, tự hào về người chồng tương lai. Trong những câu chuyện mà họ trao đổi với nhau, tâm sự với tôi, có rất nhiều lo lắng, đau đớn liên quan đến trinh tiết.

Có cô gái rất xinh đến chọn váy cưới với bạn gái mà mặt buồn rười rượi. Người bạn gái đi theo cô ấy cứ lạy van “đó là bí mật đem xuống mồ, thiếu gì lý do để biện minh cho việc không còn dấu hiệu”. Cô gái không còn trinh tiết, lo sợ về việc đối mặt với chồng trong đêm tân hôn. Nhưng nếu chỉ vì cô ấy không còn trinh tiết mà chồng cô thất vọng thì có lẽ anh ta chỉ tôn thờ “cái màng” ấy chứ không phải cô!

Có một đôi tay nắm tay bước vào cửa hàng, vui vẻ, hạnh phúc. Bỗng nhiên, cô gái có nhắn tin, người yêu giằng lấy xem và cãi nhau nảy lửa. Chàng trai tra hỏi cô gái tại sao người yêu cũ vẫn điện thoại, rồi thô bạo lục vấn có thật là cô gái vẫn còn trong trắng không hay đã “nhơ bẩn” rồi. Cô gái mặt tái dại, nước mắt chảy lã chã, một lời thề thốt, hai lời hứa hẹn. Sau đó, cô ấy vẫn làm đám cưới. Tấm váy cưới cô ấy mặc trắng trong không một vết bẩn. Nhưng cho dù, cô có đủ các dấu hiệu trinh tiết và được chồng “tôn vinh” thì có lẽ, tâm hồn cô ấy cũng đã u ám, tình yêu của cô ấy đã vẩn đục, và hình ảnh người yêu - người chồng đã không còn lung linh nữa. 

Lại có người đàn ông rất phong độ nhưng lại “buột miệng” với vợ sắp cưới rằng: đối với anh ta, trinh tiết không chỉ là dấu hiệu, là “thực thể” mà điều đó có nghĩa cô ấy hoàn toàn thuộc về anh ta, tinh khiết và thánh thiện! Cô gái thần mặt ra, có lẽ, cô ấy đang nhớ lại xem mình đã chót trèo cây té ngã hay vận động mạnh bao giờ chưa? Tôi chắc chắn, đối với cô gái này, đêm tân hôn hạnh phúc cũng sẽ biến thành ác mộng nếu như cô ấy không có “dấu hiệu” trinh tiết. 

Phải chăng, những người đàn ông đó cũng nhăm nhăm cưới “màng trinh” chứ không phải một người vợ ấm áp, biết yêu thương?

“Đòi hỏi bạn đời trinh tiết chỉ là tâm lý thích chiếm đoạt, mong vợ - bạn tình của mình hoàn toàn thuộc về mình một cách ích kỷ và thiển cận. Và chính đàn ông đang phải trả giá cho sự ngu muội đó. Các dịch vụ “vá màng trinh”, “thị trường” màng trinh giả, kỹ nghệ “giả màng trinh” đang được quảng cáo, bàn luận rầm rộ chính là “cú đấm” tàn khốc, sự mỉa mai chua chát, thách thức và cười cợt quan niệm cổ lỗ của không ít đàn ông. Còn người phụ nữ đã phải bỏ lòng tự trọng để “vá” lại “nhân phẩm” để được chồng nâng niu, coi trọng thì có thể, cô ấy sẽ còn dựng lên vô số những tấm mành khác để “che mắt” chồng. Cô cũng khó có thể yêu thương và coi trọng người chồng mà cô ấy đã lừa dối” - bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết.