Ánh Viên đột ngột về nước sau 7 năm tập huấn ở Mỹ

ANTD.VN - "Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ không còn tập huấn Mỹ nữa mà tập huấn trong nước và tăng cường thi đấu quốc tế để nhắm tới tấm vé dự Olympic Tokyo 2020", Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho hay.

Nguyễn Thị Ánh Viên bắt đầu tập huấn Mỹ từ năm 2013 để chuẩn bị cho SEA Games cùng năm, ASIAD 2014 và những giải đấu kế tiếp khi nữ "kình ngư" sinh năm 1996 phát lộ tài năng mà theo đánh giá của giới chuyên môn là "50 năm mới có một người".

Trong 7 năm đó, Ánh Viên đã mang về cho thể thao Việt Nam nhiều thành tích quốc tế ấn tượng, nổi bật là 25 HCV cùng nhiều kỷ lục ở các kỳ SEA Games. Vì vậy, ngành thể thao duy trì việc chi khoảng một nửa kinh phí dành cho bộ môn bơi lội để Ánh Viên được tập huấn Mỹ dài hạn.

Ánh Viên sẽ chỉ tập huấn trong nước

Thế nhưng sau thất bại tại ASIAD 2018 và sự trồi sụt phong độ của Ánh Viên trong khoảng 2 năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh chủ trương, cách thức thực hiện và đặc biệt là tính hiệu quả của các chuyến tập huấn tại Mỹ.

Trao đổi với báo chí mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chính thức khẳng định ngành thể thao sẽ "rút" Ánh Viên về nước.

"Tổng cục TDTT và cơ quan chủ quản là Quân đội đã thống nhất không đưa Ánh Viên sang Mỹ dài hạn nữa mà sẽ tập huấn trong nước và tăng cường các thi đấu quốc tế, tập huấn ngắn hạn nước ngoài", ông Vương Bích Thắng nói và cho biết việc về nước tập luyện cũng dựa trên nguyện vọng của chính VĐV này.

Cũng theo ông Vương Bích Thắng, trước đây Ánh Viên sang Mỹ chủ yếu là tận dụng cơ sở vật chất nước bạn, trong khi các chế độ khác, thầy trò Ánh Viên phải rất tằn tiện, thậm chí cắt giảm một phần thực phẩm chức năng vì kinh phí có hạn.

"Chi phí đi lại, tập huấn tại Mỹ cao hơn nhiều nước khác. Thời gian qua việc dồn tiền cho Ánh Viên tập huấn Mỹ cũng phần nào ảnh hưởng tới các VĐV khác, bởi tiền cấp cho bộ môn và ngành thể thao nói chung là rất khiêm tốn. Tương tự như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh - người giành 1 HCV, 1 HCB Olympic 2016, nếu dồn hết đầu tư để Xuân Vinh có vé đi Olympic 2020 thì các VĐV trẻ khác lại ít được thi đấu quốc tế. Vì vậy ngành thể thao phải tính toán rất kỹ", ông Thắng chia sẻ, đồng thời khẳng định chuyển sang hình thức tập huấn khác không có nghĩa là không đầu tư mà Ánh Viên vẫn là VĐV trọng điểm.

Sau khi kết thúc năm 2019 với 6 HCV, 2 HCB SEA Games 30, mục tiêu của Ánh Viên trong năm 2020 này là Olympic Tokyo. Ngành thể thao sẽ đầu tư cho Ánh Viên theo hướng tập trung vào 1-2 nội dung mũi nhọn (thay vì dàn đều để giành càng nhiều huy chương càng tốt như ở SEA Games 30), đặc biệt là nội dung 400m hỗn hợp.

Hiện Ánh Viên vẫn chưa đoạt vé chính thức tới Olympic Tokyo và thành tích hiện tại của cô ở 400m hỗn hợp còn kém chuẩn khoảng 4 giây. Đây là khoảng cách mà Ánh Viên sẽ phải san bằng để có suất chính thức dự Thế vận hội tại Tokyo - Nhật Bản vào tháng 7 tới.