Ánh sáng màu khát vọng

(ANTĐ) - “...Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, biết bao lần định viết thư rồi lại thôi. Tôi thật sự hổ thẹn. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng nếu không có tôi thì gia đình tôi sẽ vui và hạnh phúc biết bao. Tôi là một người thừa trong gia đình, là một người con trai lớn nhưng tôi chỉ mang đến sự lo lắng buồn bực và thất vọng cho những người thân của mình. Nhưng từ khi biết Hương, ngọn lửa khát khao của những ước mơ và hoài bão vốn đã tắt trong tôi lại được nhen lên để tôi tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối, Hương đã truyền cho tôi niềm tin nghị lực để tôi đứng dậy làm lại cuộc đời...”.

Ánh sáng màu khát vọng

(ANTĐ) - “...Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, biết bao lần định viết thư rồi lại thôi. Tôi thật sự hổ thẹn. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng nếu không có tôi thì gia đình tôi sẽ vui và hạnh phúc biết bao. Tôi là một người thừa trong gia đình, là một người con trai lớn nhưng tôi chỉ mang đến sự lo lắng buồn bực và thất vọng cho những người thân của mình. Nhưng từ khi biết Hương, ngọn lửa khát khao của những ước mơ và hoài bão vốn đã tắt trong tôi lại được nhen lên để tôi tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối, Hương đã truyền cho tôi niềm tin nghị lực để tôi đứng dậy làm lại cuộc đời...”.

Lá thư được gửi từ trại giam

Được phép của gia đình Đào Thu Hương tôi đã trích một đoạn trong lá thư của một phạm nhân viết trong Trại giam Kim Sơn, Hoài Ân, Bình Định gửi cho một người bạn mà anh ta chưa biết mặt, một người bạn chỉ được biết qua báo chí. Điều đặc biệt người bạn đó đã không nhìn thấy ánh sáng, những ánh sáng nghị lực, ánh sáng của ý chí vươn lên đã thắp lên cho một người tuyệt vọng đang thụ án tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình, để anh ta biết đứng dậy sau khi vấp ngã, để biết làm lại cuộc đời sau khi đã có những tháng ngày sống uổng phí...

Tranh thủ ngày nghỉ, Đào Thu Hương dạy tiếng Anh cho một học sinh khiếm thị.

Tranh thủ ngày nghỉ, Đào Thu Hương dạy tiếng Anh cho một học sinh khiếm thị.

Cách xa nửa vòng đất nước, một người vẫn đang ở trong trại giam và một người là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, họ không hề biết mặt nhau, nhưng họ đã trở thành bạn của nhau qua những lá thư. Những câu mà tôi trích ở trên là từ bức thư đầu tiên của đôi bạn ấy, còn trong bức thư mới nhất mà Hương nhận được, người bạn đó đã được giảm án 6 tháng  vì đã cải tạo tốt. Hương chia sẻ: “Em nghĩ rằng không có ai hoàn thiện, ai cũng có thể mắc lỗi. Nhìn ra khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa mới là điều đáng quý. Em vẫn viết thư động viên anh ấy, tôn trọng và nói chuyện với anh ấy như với những người bạn khác. Anh ấy có chia sẻ với em rằng anh ấy đã được giảm 6 tháng tù. Em rất vui vì điều đó”.

Và có lẽ rằng không chỉ người phạm nhân vô tình được đọc một tờ báo ở trong phòng giam khâm phục ý chí vươn lên của Đào Thu Hương mà những ai đã từng gặp, từng biết đến sự phấn đấu đáng kinh ngạc và thành tích tuyệt vời trong học tập của cô sinh viên khiếm thị trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều tự  nhìn lại chính mình và đặt câu hỏi: “Tại sao mình có đầy đủ điều kiện hơn cô bé ấy mà lại không làm được như thế?”.

Tiếng khóc chào đời

Mẹ của Đào Thu Hương là một chiến sĩ của Công an thành phố Hà Nội - Trung tá Nguyễn Thị Hạnh kể rằng khi sinh cô con gái đầu lòng, không hiểu sao con bé cứ khóc ngằn ngặt, khóc cả đêm lẫn ngày, khóc hàng mấy tháng trời. Lúc đầu chị tưởng con khóc dạ đề, nhưng làm cách nào nó cũng không nín khóc. Đến tháng thứ tư, chị đưa con đi khám thì mới biết rằng con chị bị dị tật bẩm sinh nặng, nhãn áp cao, làm hại đáy mắt, gai thị teo lại và khó có hy vọng chữa trị được. Khi con đã thôi khóc, thì người mẹ lại khóc rất nhiều. Suốt nhiều đêm chị khóc vì không biết tương lai con gái mình sẽ ra sao. Suốt nhiều đêm không ngủ được, chị cứ hình dung ra cảnh người mù ăn xin, hát xẩm trên đường phố, chị buồn, thương con, và sợ hãi vô cùng.

Rồi Hương cũng lớn lên trong tình yêu thương của gia đình. Năm 6 tuổi, Hương trải qua một cuộc phẫu thuật trong niềm hy vọng cuối cùng của bố mẹ. Chưa đi học nhưng Hương đã sớm biết đọc, mỗi lần đèo con đi trên đường, chị Hạnh vẫn thấy Hương ngồi sau xe đọc vanh vách chữ trên những tấm biển hiệu ven đường. Chị Hạnh thầm hy vọng may mắn sẽ đến với con chị. Nhưng rồi khi Hương học đến năm lớp 4 thì những con chữ trên bảng nhòe dần đi, rồi mờ hẳn. Hương viết chữ xấu, nét chữ nguệch ngoạc, run rẩy, đan díu vào nhau. Chị Hạnh mang con đi khắp nơi chữa chạy nhưng ánh sáng vẫn cố tình chơi trò trốn tìm với đôi mắt đáng thương kia. Đôi mắt ấy đã vĩnh viễn chỉ còn bóng đêm. Màu của ánh sáng, màu của mặt trời, khuôn mặt thân yêu của cha mẹ chỉ còn lại trong trí nhớ của cô bé 10 tuổi.

Hành trình đi tìm ánh sáng tri thức

Trò chuyện với chuyên gia nước ngoài.
Trò chuyện với chuyên gia nước ngoài.

Không còn nhìn thấy ánh sáng, Hương không thể theo học cùng các bạn học sinh bình thường, nên chị Hạnh đã xin chuyển con sang học trường Nguyễn Đình Chiểu. Hương đã phải học lại từ đầu bằng chương trình chữ nổi. Môi trường mới, bạn mới, Hương cũng đôi chút hoang mang, nhưng rồi được thầy cô và gia đình động viên, Hương đã nỗ lực nuôi ước mơ trở thành cô giáo bằng kết quả liên tục trong các năm học luôn đạt học sinh xuất sắc và điểm tổng kết trung bình của các môn đều 9 phảy trở lên. Hết năm lớp 9, Hương là học sinh duy nhất của trường Nguyễn Đình Chiểu nộp hồ sơ thi THPT, và cũng là một trong 20 học sinh xuất sắc của Hà Nội được tuyên dương, nhiều năm liền là người tốt việc tốt của thành phố.

Thi vào THPT với số điểm cao nhưng không có trường THPT công lập nào nhận Hương vào học, đơn giản vì lý do “trường không đủ điều kiện dạy cho học sinh khiếm thị”. Có lẽ tương lai của cô bé ham học và có ước mơ được trở thành cô giáo sẽ không đến, nếu như Giáo sư Văn Như Cương không mở ra cho Hương một cơ hội để cho đến bây giờ, khi đã xa ngôi trường Lương Thế Vinh để ngồi trên ghế giảng đường đại học, Hương vẫn không quên ơn thầy cô đã giúp đỡ Hương trên con đường học tập: “Em và gia đình cảm thấy rất hụt hẫng, mất phương hướng vì không hiểu con đường học tập của em sẽ đi đến đâu, liệu em có thực hiện được ước mơ của mình không. Khi đó, thầy Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh đã mở ra cho em một tương lai tuyệt vời. Dù chịu nhiều thiệt thòi, em vẫn được cuộc sống này ban tặng rất nhiều may mắn”.

Suốt 3 năm học THPT cùng với các bạn học sinh bình thường, với các môn tự nhiên, Hương tự trình bày miệng và trả bài ngay trên lớp. Mặc dù hình học không gian phải tưởng tượng, rồi những dãy số dài dằng dặc của đại số, nhưng Hương đều đạt điểm cao. Còn đối với các môn xã hội, Hương đánh bài bằng máy tính rồi trả bài thi bằng những bản in. Mặc dù rất khó khăn, nhưng liên tục năm nào, Đào Thu Hương cũng là một trong những học sinh đứng đầu lớp. Với kết quả học tập tuyệt vời này Bộ GD-ĐT đã đặc cách tuyển thẳng Đào Thu Hương vào trường Đại học Sư phạm. Hiện đang là sinh viên năm thứ hai của Khoa Ngoại ngữ thì cả hai năm liền Hương đều đạt điểm trung bình trên 8 phảy.

Đến nhà Đào Thu Hương ở ngõ Thiên Hùng, Khâm Thiên, Hà Nội, bước vào nhà là thấy ngay một bức ảnh khổ lớn dòng chữ Tôn vinh anh hùng thầm lặng (do Tập đoàn Microsoft trao tặng). Trong ảnh Hương được bước đi với hai người bạn dắt tay hai bên. Nét mặt đầy tự tin với nụ cười tươi sáng, rạng rỡ như tỏa nắng. Giờ đây, đôi mắt Hương không còn nhìn thấy được ánh sáng của thiên nhiên nhưng Hương đã có ánh sáng của tri thức để bước đi vững vàng với hành trang tri thức của mình.

Không chỉ say mê học tập, Đào Thu Hương còn rất yêu nghệ thuật, và năng nổ trong các hoạt động xã hội. Tại một cuộc thi do Hoa Kỳ tổ chức viết về giáo dục, Hương đã tham dự và giành giải ba. Mới đây nhất trong buổi hòa nhạc từ thiện do Nhạc viện Hà Nội và Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam tổ chức, MC Đào Thu Hương đã dẫn chương trình từ đầu đến cuối trôi chảy bằng cả hai thứ tiếng Anh - Việt trên sân khấu mà không cần bất cứ một thiết bị nhắc lời nào. Trí nhớ, cũng như cách đọc tiếng Anh của Đào Thu Hương đã khiến nhiều người trong khán phòng thốt lên khâm phục. Có mặt trong đêm nhạc hôm đó, tôi thấy nhiều người nước ngoài ngưỡng mộ, sau buổi hòa nhạc, họ đến nói chuyện với Hương, Hương cũng nói chuyện lại với họ bằng tiếng Anh rất duyên dáng. Tiến sĩ Genevieve Caelen Haumont - phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng - trường Đại học Bách Khoa đã khen ngợi: “Trí nhớ của cô ấy thật tuyệt vời, cô ấy nói tiếng Anh rất hay, thật đáng khâm phục một sinh viên giàu nghị lực như thế”.

Tự làm MC.
Tự làm MC.

Ánh sáng màu gì?

Một người mê những bản giao hưởng nhẹ nhàng, du dương của Schubert, và cũng là tay đàn organ của trường Nguyễn Đình Chiểu; một người yêu hội họa và từng là tác giả bức tranh “Tấm cám” đoạt giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi “Thế giới quanh em”; một người thích ngồi ngắm thiên nhiên, thích cái lấp lánh nhiều màu của những bông hoa nắng đùa giỡn dưới tán lá bàng ở sân trường để rồi lấy ý tưởng đó đặt tên cho tờ báo “Hoa nắng” của trường Nguyễn Đình Chiểu; một cô giáo tương lai sẽ đứng trên giảng đường vậy mà thật nghiệt ngã và không công bằng khi đôi mắt của Hương đã chỉ còn là bóng đêm.

Nhưng Hương không cam chịu bóng tối, em sẽ vẫn tiếp tục nghe nhạc, tiếp tục chơi đàn. Em sẽ vẽ. Em vẽ người mẹ thân thương có gương mặt phúc hậu tươi cười ấm áp dù có những nếp nhăn do năm tháng khắc khổ hằn lên. Em vẫn vẽ ánh sáng, em vẫn vẽ mặt trời, chắc là ánh sáng rất nhiều màu. Em sẽ làm cô giáo tại chính ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu nơi đã truyền cho em tình yêu nghề sư phạm. Em sẽ đi học thêm về phương pháp dạy cho những học sinh khiếm thị. Em sẽ đi học Cao học tiếng Anh và không ngại thử sức mình nếu như có cơ hội.

Dù rằng trong cuộc sống hiện nay, ai cũng vội vã với những mục tiêu của mình, nhưng Hương vẫn dành ra những khoảng thời gian miệt mài học tập, miệt mài với những buổi dạy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh như em. Tôi đã quan sát một buổi dạy tiếng Anh của Hương cho một em học sinh khiếm thị. Một buổi học có sự đồng cảm đặc biệt khi mà tay cô và tay trò cùng dìu nhau đi trên những dòng chữ nổi.

Một buổi học mà ở đó có sự kiên trì và tận tâm của một cô giáo tương lai. Tôi cũng đã được xem bộ phim tài liệu được Giải thưởng Bichat (Pháp) mang tên “Mặt trời màu gì?” của đạo diễn Đào Thanh Tùng khi anh làm phim về những đứa trẻ mù của trường Nguyễn Đình Chiểu. Bộ phim chỉ có âm thanh chân thật, rất ít lời thoại, và những đứa trẻ mù hỏi nhau rằng: “Mặt trời màu gì?”, rồi chúng vẽ mặt trời bằng sự tưởng tượng, rồi chúng tự tìm ghế, trèo lên, đóng đinh và treo lên tường một bức tranh có ông mặt trời đỏ thắm. Mọi việc đều có thể làm được nếu như có khát vọng. Hương cũng vẽ mặt trời, Hương cũng vẽ ánh sáng - ánh sáng màu khát vọng.

Đinh Hương Bình