“Ánh sáng” cho người khiếm thị

ANTĐ - Bước đi mang tính đột phá của một nhóm nhà khoa học Australia trong việc phát triển thành công con mắt điện tử có thể giúp mang lại “ánh sáng” cho hàng triệu người khiếm thị trên thế giới.

Mắt điện tử có thể giúp mang lại ánh sáng cho hàng triệu người khiếm thị

Một nhóm nhà khoa học về tạo hình công nghiệp Australia vừa phát triển thành công con mắt điện tử đầu tiên trên thế giới, thiết bị có thể giúp hàng triệu người khiếm thị trên thế giới có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng trở lại. Ý tưởng của việc phát triển con mắt điện tử bắt nguồn từ việc các nhà khoa học cho rằng có thể truyền tín hiệu hình ảnh trực tiếp lên não bộ người đã bị cắt bỏ con mắt tổn thương thông qua kết nối không dây. 

Theo các nhà khoa học, người khiếm thị được cấy mắt điện tử có cơ hội nhìn thấy các dạng hình cơ bản được tập hợp bởi các tia sáng thông qua một chiếc kính giống như thiết bị Google Glass. Camera gắn trên chiếc kính này sẽ tập hợp hình ảnh, thông tin và chuyển thành dạng tín hiệu và được truyền tới một con chíp siêu nhỏ được cấy trong não bộ của người nhận. 

Ông Mark Armstrong, Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển mắt điện tử, cho biết đây là thiết bị cấy não bộ không dây đầu tiên trên thế giới được phát triển cho người khiếm thị và con mắt điện tử này được kỳ vọng sẽ mang lại ánh sáng và hình ảnh cơ bản cho những người mất hoàn toàn thị lực. Công trình dự kiến sẽ được triển khai trên thực tiễn trong năm 2014.

Theo thống kê, trên thế giới hiện có trên 161 triệu người mù lòa, trong đó có 124 triệu người khiếm thị (vẫn còn khả năng tận dụng thị lực để phân biệt sáng tối nếu điều trị thành công) và 37 triệu người mù (hoàn toàn không có khả năng phân biệt sáng tối). Ngoài ra, cứ 5 giây trôi qua lại có thêm một người bị mù và cứ một phút trôi qua lại có một đứa trẻ vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Hàng năm cả thế giới phải tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc chữa trị các bệnh về mắt. 

Khiếm thị là một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất, thế nên giới khoa học đã có nhiều nỗ lực giúp mang lại ánh sáng, hay chí ít đã giúp người khiếm thị đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những thành công được ghi nhận là nhóm nhà khoa học Israel thuộc trường Đại học Bar-Ilan đã phát triển một công nghệ có thể giúp người khiếm thị bẩm sinh có thể nhìn thấy được, với sự trợ giúp của một kính áp tròng sinh học điện tử. Hiện công nghệ này chưa được thử nghiệm lâm sàng song thử nghiệm ban đầu cho thấy hệ thống này có thể giúp người thử nghiệm nhìn được một phần màu đen, trắng và xám với độ phân giải dưới 100 điểm ảnh. Các nhà khoa học Mỹ cũng đã công bố những kết quả tích cực trong nghiên cứu sử dụng liệu pháp gene để khôi phục thị lực ở những bệnh nhân khiếm thị bẩm sinh do lỗi gene di truyền.

Trong những nỗ lực đó, nhà khoa học về tạo hình công nghiệp Australia ở Đại học Monash được cho là mang tính đột phá quan trọng. Theo nhận định của nhóm các nhà khoa học, thiết bị mắt điện tử sẽ giúp ích được cho hơn 85% người khiếm thị trên toàn thế giới. Thách thức hiện nay đối với nhóm là phát triển chiếc kính nhẹ hơn và có thể có kích cỡ phù hợp và mang lại cảm giác thoải mái đối với từng người khiếm thị.