Anh đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp với Argentina

ANTĐ - Ngày 1-4-2015, đúng một ngày trước khi Argentina kỷ niệm 33 năm ngày Chiến tranh Malvinas năm 1982, ông Daniel Filmus, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina đã lên tiếng phản đối việc các công ty của Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Malvinas mà Anh gọi là Falkland. 

Anh đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp với Argentina ảnh 1Giàn khoan của Anh tại vùng biển gần Falkland/Malvinas

Căng thẳng leo thang

Ông Filmus cho hay, Chính phủ Argentina đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để đấu tranh chống lại việc Anh có ý định đơn phương khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển này, đồng thời khẳng định, hoạt động trên sẽ đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái, và có thể gây ra thảm họa tràn dầu tương tự như tại Vịnh Mexico hồi năm 2010. “Nguy cơ của việc khai thác dầu đối với môi trường trong khu vực này là rất lớn. Không chỉ đối với người dân trên đảo mà còn đối với toàn bộ khu vực Mỹ Latinh, và cả thế giới. Nó có thể hủy hoại đa dạng sinh học”, ông Filmus cảnh báo. 

 Cũng theo ông Filmus, các công ty tham gia vào dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Argentina và luật pháp quốc tế. Theo đó, tòa án Argentina có thể ra lệnh bắt giữ những người tham gia khai thác dầu khí trái phép tại vùng biển nước này. Theo Luật Dầu khí quốc gia 

Argentina năm 2013, những người điều hành các công ty thăm dò và khai thác dầu khí mà không được sự cho phép của chính phủ nước này sẽ phải chịu hình phạt lên tới 15 năm tù giam và nộp phạt số tiền tương đương giá trị 1,5 triệu thùng dầu. Hiện Buenos Aires đã cấm các tàu treo cờ Anh cập cảng và một loạt các nước Mỹ Latinh khác gồm Brazil, Paraguay and Uruguay cũng có hành động tương tự.

Việc Argentina lên tiếng phản đối hành động của các công ty Anh diễn ra sau khi một giàn khoan khổng lồ thuộc dự án liên doanh của các công ty Anh gồm Rockhopper, Falkland Oil, Premier Oil và Noble Energy được lai dắt ra Nam Cực hồi tháng 2 vừa qua tại khu vực đang có tranh chấp với Argentina. Chính phủ Anh cho rằng, Luật Dầu khí Argentina không có giá trị tại quần đảo tranh chấp Falkland/Malvinas. 

Anh tăng cường quân sự, Argentina muốn đối thoại

Hôm 24-3, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo tranh chấp với Argentina nhằm đối phó với “mối đe dọa hiện hữu và cụ thể”. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết, London sẽ chi 268 triệu USD trong 10 năm tới, bao gồm nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai hai trực thăng Chinook tới quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này vào giữa năm 2016. 

Ngay lập tức, Argentina đã lên tiếng phản đối Anh “quân sự hóa” quần đảo tranh chấp này và phê phán London tiếp tục duy trì chế độ thực dân tại đây. Ông Filmus khẳng định, những tuyên bố của Anh về mối đe dọa từ Argentina đối với quần đảo tranh chấp Falkland/Malvinas là vô căn cứ và nhằm kích động tình cảm dân tộc trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở nước này vào tháng 5 tới. Tổng thống Argentina Cristina Fernández cũng cho biết, thế giới đã bước vào thế kỷ 21, nhưng vẫn còn 16 thuộc địa, 10 trong số đó là thuộc địa của Anh, trong đó có Malvinas bị London xâm lược từ năm 1833 và đây là điều “vô lý”. Chính phủ  Argentina nhấn mạnh, đối thoại và đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế là giải pháp cho tranh chấp, chứ không phải đối đầu quân sự.

Cho đến nay, bất chấp các nghị quyết của LHQ yêu cầu Anh đàm phán giải quyết tranh chấp, London vẫn làm ngơ với lý do chỉ đàm phán nếu người dân tại quần đảo đề nghị. Trong khi đó, khoảng 2.800 người dân tại Malvinas, phần lớn là người Anh hoặc hậu duệ của họ, lại không muốn quần đảo thuộc chủ quyền của Argentina. 

Lịch sử từng chứng kiến giao tranh đẫm máu

Falkland/Malvinas là một quần đảo ở Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Argentina 480km và cách Anh 12.870km. Quần đảo gồm hai đảo chính, Đông Falkland và Tây Falkland, cùng hơn 776 đảo nhỏ. Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000km2, Falkland được đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ.

Căng thẳng giữa hai nước bùng phát vào ngày 2-4-1982 khi chính quyền Argentina đưa quân đổ bộ lên Falkland/Malvinas với mong muốn giành lại quần đảo bị Anh chiếm giữ từ năm 1833. Ngay lập tức, Thủ tướng Anh khi đó, bà Margaret Thatcher đã điều quân tới, chiếm lại quần đảo sau 74 ngày giao tranh với quân đội Argentina. Cuộc chiến này đã khiến 649 binh sĩ Argentina và 255 quân nhân Anh thiệt mạng.