Anh dỡ bỏ giãn cách xã hội, đề cao trách nhiệm cá nhân để “sống chung với Covid-19”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nước Anh đang lên kế hoạch bãi bỏ luật bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vào cuối tháng này, Thủ tướng Boris Johnson đã lên tiếng xác nhận, mặc dù ông thừa nhận rằng, việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ làm gia tăng các ca nhiễm Covid-19.
Nhờ chương trình tiêm chủng, số ca tử vong do nhiễm Covid-19 ở Anh đã giảm mạnh

Nhờ chương trình tiêm chủng, số ca tử vong do nhiễm Covid-19 ở Anh đã giảm mạnh

Thủ tướng Boris Johnson cho biết, các biện pháp kiểm soát pháp lý sẽ được thay thế bằng “trách nhiệm cá nhân” khi quốc gia này chuyển sang giai đoạn cuối cùng của lộ trình dỡ bỏ giãn cách xã hội, dự kiến vào ngày 19-7 tới, mặc dù ông cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 12-7. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc người dân không phải đeo khẩu trang sau nhiều tháng bắt buộc phải sử dụng, tuy nhiên, trong một số không gian kín như phương tiện giao thông, người dân vẫn được khuyến khích biện pháp bảo vệ cá nhân này. Việc bãi bỏ các quy định về giãn cách xã hội sẽ cho phép các hộp đêm mở cửa trở lại lần đầu tiên sau 16 tháng, khách hàng có thể gọi đồ uống ngay tại quầy. Ngoài ra, người dân cũng không phải quét ứng dụng điện thoại để cung cấp thông tin về nơi họ đến… Chính phủ cũng sẽ ngừng hướng dẫn mọi người làm việc tại nhà nếu họ có thể, nhân viên có thể quay trở lại văn phòng làm việc.

Anh đã ghi nhận hơn 128.000 ca tử vong do Covid-19, cao thứ hai ở châu Âu sau Nga, và các ca lây nhiễm đang gia tăng do biến thể delta có khả năng lây truyền cao. Các ca nhiễm được xác nhận đã tăng từ khoảng 2.000 một ngày vào đầu năm nay lên 25.000 một ngày trong tuần qua. Tuy nhiên, số ca tử vong giảm, dưới con số 20 ca mỗi ngày. Các quan chức y tế công cộng cho biết, chương trình tiêm chủng của Anh đã khiến ca tử vong do nhiễm Covid-19 giảm mạnh. Cho đến nay, 86% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 64% được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm cho tất cả mọi người trên 18 tuổi vào giữa tháng 9-2021.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết nước Anh sẽ phải “học cách sống chung với loại virus này”. Nhận định này được đánh giá là một sự thay đổi lớn so với những quan điểm trước đó trong giới chức Anh rằng Covid-19 là một “kẻ thù cần phải tiêu diệt”. Nhận định số ca nhiễm có thể tăng lên tới 50.000 ca vào ngày 19-7 tới, ông Boris Johnson nói: “Tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu rằng đại dịch này còn lâu mới có thể kết thúc. Thật đáng buồn vì các ca tử vong do Covid-19 vẫn còn đáng kể. Tuy nhiên, nếu chúng ta không mở cửa trở lại trong vài tuần tới, thời điểm phù hợp vào mùa hè và thời gian nghỉ học, thì chúng ta không thể biết khi nào mới có thể trở lại bình thường”.

Thông điệp này của Thủ tướng Boris Johnson đã được nhiều người hoan nghênh, thậm chí, truyền thông nước này còn gọi ngày 19-7 là “ngày tự do”. Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng và giới khoa học khuyến cáo nên thận trọng, bởi việc bỏ khẩu trang cũng như bỏ những quy định giãn cách xã hội hoàn toàn có thể dẫn đến những rủi ro nguy hiểm. Nhà tâm lý học Stephen Reicher, một thành viên của Ủy ban cố vấn khoa học của Chính phủ, cho biết “các biện pháp giảm thiểu tương ứng” nhằm ngăn ngừa virus lây lan, chẳng hạn như đeo khẩu trang ở những nơi đông người, vẫn cần được duy trì.

Chính phủ Anh, quốc gia đã ban hành một trong những đợt phong tỏa lâu nhất trên thế giới, đã từng bước dỡ bỏ các hạn chế bằng việc mở cửa trở lại các trường học vào tháng 3-2021 vừa qua. Giai đoạn dỡ bỏ hạn chế thứ tư và cuối cùng đã bị trì hoãn vào tháng trước để có thời gian cho nhiều người hơn được tiêm phòng ngừa dịch bệnh trước tình hình lây lan nhanh chóng của biến thể delta.

Ông Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho biết việc giảm bớt các quy định về hạn chế xã hội vào mùa hè là rất hợp lý, khi trường học đóng cửa, mọi người dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác ở mức thấp.

Tuy nhiên, ông Richard Tedder, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, cho rằng, việc nới lỏng các quy định trong khi các ca lây nhiễm vẫn không ngừng gia tăng “đi kèm với nguy cơ thực sự, khiến cho các biến thể có thể sẽ kháng vaccine và có khả năng lây nhiễm cao hơn. Nếu không nhận ra điều này là bạn “đang đùa với lửa”.