Anh dễ dàng đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến ngoài lãnh thổ

ANTĐ - Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc bao gồm 2,3 triệu người, trong khi đó quân đội Anh chỉ có quân số 225 nghìn nhưng Anh sẽ thắng Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh diễn ra ngoài lãnh thổ 2 nước.

Giáo sư Malcolm Chalmers thuộc Viện Các quân, binh chủng hợp thành của quân đội Hoàng gia Anh đưa ra nhận định, nước Anh mà ít ai còn coi là một cường quốc quân sự hùng mạnh, vẫn có đầy đủ tố chất chiến thắng Trung Quốc, nếu xung đột xảy ra ở địa bàn trung gian, cách xa hai quốc gia. Chuyên viên Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga cũng đồng ý với nhận định này.

Sự phát triển quân đội của Trung Quốc trong những năm gần đây trở thành mối quan tâm lớn trên thế giới, họ ồ ạt đóng mới tàu chiến, chế tạo máy bay chiến đấu, mua sắm trang bị hiện đại của Nga, trong khi quân đội Anh không ngừng bị cắt giảm ngân sách và quân số. Tuy nhiên, Anh vẫn nắm giữ khả năng đáng nể về điều động binh lực đến các mọi điểm nóng trên thế giới, vượt trội Trung Quốc trong trình độ huấn luyện binh sĩ, trang bị kỹ thuật và chiến thuật tác chiến.

Các lực lượng vũ trang Anh thường xuyên hiện diện ở nhiều khu vực và vùng khí hậu khác nhau, xử lý hiệu quả các vấn đề cung cấp, bảo dưỡng thiết bị, sẵn sàng tác chiến cũng như đảm bảo sức khỏe quân nhân. Bên cạnh sự hiện diện binh lực, người Anh còn có kinh nghiệm duy trì hầu như liên tục các hoạt động tác chiến. Về mặt này, có lẽ chỉ Mỹ và một phần nào đó là Pháp mới có thể sánh với Anh.

Anh dễ dàng đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến ngoài lãnh thổ  ảnh 1

Anh có khả năng triển khai quân cực nhanh trên toàn cầu

Mặc dù bị cắt giảm ngân sách, khả năng kỹ thuật quân sự của Anh vẫn không hề thua kém Trung Quốc. Hiện Anh không có một tàu sân bay đúng nghĩa nào đang hoạt động (tàu sân bay HMS Illustrious thuộc lớp Invincible đã được chuyển đổi thành tàu sân bay trực thăng sau khi bán đi các máy bay chiến đấu cất, hạ cánh thẳng đứng AV-8 Harrier) Nhưng đến năm 2020, theo kế hoạch sẽ có hai hàng không mẫu hạm CVF lớp “Nữ hoàng Elisabeth” được đóng và trang bị sẵn sàng, với khả năng chứa 50 máy bay mỗi chiếc.

Còn hiện nay, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc chưa đủ khả năng chiến đấu. Trung Quốc còn đang trong quá trình đào tạo phi công và cần nhiều thời gian để có một đội ngũ phi công đủ trình độ đáp ứng hoạt động trong các điều kiện phức tạp. Biên đội tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc cũng chưa hình thành khả năng tác chiến biên đội. Với kinh nghiệm sẵn có và sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ, các tàu sân bay Anh sẽ được triển khai hoạt động sớm hơn hai tàu mới mà Trung Quốc đang đóng.

Lực lượng không quân vận tải chiến lược của Anh hùng mạnh và được trang bị tốt, trong đó bao gồm 8 máy bay C-17A Globemaster II và 32 chiếc C-130 Hercules, kể cả các phiên bản C-130J mới nhất. Anh sở hữu nhiều tàu ngầm tấn công hạt nhân so với Trung Quốc (6 so với 5) và vượt trội về kỹ, chiến thuật, đào tạo thủy thủ đoàn. Cần phải nhớ rằng, Anh là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng tàu ngầm hạt nhân trong hải chiến thực sự, đánh chìm tàu tuần dương Đô đốc Belgrano của Argentina năm 1982.

Anh dễ dàng đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến ngoài lãnh thổ  ảnh 2
Trung Quốc đang nỗ lực hỏi mua máy bay vận tải thế hệ mới nhất Il-476 (IL-76 MD-90A) của Nga để nâng cao khả năng vận chuyển đường không

Trung Quốc từ lâu vượt qua các cường quốc thực dân cũ như Anh và Pháp về sự hiện diện kinh tế trên thế giới, nhưng vẫn kém xa họ trong khả năng bảo vệ công dân và tài sản ở nước ngoài, điều này thể hiện rõ trong thời gian Mỹ đe dọa đánh Syria vừa qua, Trung Quốc đã không làm được gì trước nguy cơ nguồn cung cấp dầu bị cắt đứt. Họ cần rất nhiều thời gian nữa để chế tạo trang bị, đào tạo binh sĩ và huấn luyện chỉ huy hiệp đồng cho công tác triển khai quân trên phạm vi toàn cầu.

Tất nhiên, hiện Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục những khoảng trống cản trở quân đội của mình mở rộng địa bàn triển khai ở các vùng trên thế giới. Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề trang bị triển khai nhanh chỉ là một yếu tố cần, điều kiện đủ, mang tính chất quyết định là Trung Quốc không có đồng minh, không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, không có điểm tựa và nguồn cung cấp hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng tác chiến toàn cầu, đây là vấn đề then chốt khiến bước chân Trung Quốc mới chỉ loanh quanh khu vực “ao nhà”.

Trong khi đó, Anh, Mỹ, Pháp “đi đến đâu cũng là nhà”, họ có thể nương nhờ vào nhau bất cứ lúc nào, tại mọi khu vực trên thế giới. Nếu một cuộc chiến nổ ra tại lãnh thổ Trung Quốc thì Bắc Kinh có thể tận dụng nguồn lực tại chỗ để khỏa lấp chỗ yếu về khả năng triển khai và cung cấp. Nhưng nếu một cuộc chiến diễn ra tại một chiến trường trung gian thì nhất định là người Anh sẽ đánh bại Trung Quốc một cách dễ dàng.