Ảnh cưới xưa và nay

(ANTĐ) - Các bức ảnh đám cưới Hà Nội xưa và nay đã cho thấy sự đổi thay lớn trong tâm lý, trong cách sống của người Hà Nội. Nếu như đám cưới Hà Nội xưa cốt cách và nền nã bao nhiêu thì các đám cưới của Hà Nội ngày nay đang đi ngược lại: phô trương, lãng phí và nhạt thếch. NSNA Quang Phùng, người đã có rất nhiều kỷ niệm với những bức ảnh cưới xưa kể về một thời đã qua đó như một hoài niệm.

Ảnh cưới xưa và nay

(ANTĐ) - Các bức ảnh đám cưới Hà Nội xưa và nay đã cho thấy sự đổi thay lớn trong tâm lý, trong cách sống của người Hà Nội. Nếu như đám cưới Hà Nội xưa cốt cách và nền nã bao nhiêu thì các đám cưới của Hà Nội ngày nay đang đi ngược lại: phô trương, lãng phí và nhạt thếch. NSNA Quang Phùng, người đã có rất nhiều kỷ niệm với những bức ảnh cưới xưa kể về một thời đã qua đó như một hoài niệm.

Đám cưới thời bao cấp năm 1980
Đám cưới thời bao cấp năm 1980

Nhiếp ảnh Pháp

Tôi nhớ Hà Nội cách đây 70 năm, chụp ảnh đám cưới là một điều gì đó xa xỉ. Tuy mỗi đám cưới chỉ chụp có 2 cái ảnh, một cái chụp đôi vợ chồng và một cái chụp thật đông người. Nhưng trị giá của nó cũng vào khoảng 1 cây vàng. Mà 10 đám cưới thì chỉ có 2 đến 3 đám chụp ảnh. Và ngày đó, người Hà Nội sống rất kín đáo, nền nã. Họ coi việc yêu đương, cưới xin là chuyện riêng của mỗi nhà nên chuyện chụp ảnh đám cưới cũng là chuyện thiêng liêng chứ không phô phang như bây giờ. Hồi đó tôi chưa từng trông thấy một bức ảnh đôi vợ chồng nào phóng to treo trong nhà mà chỉ nho nhỏ để trong album. Vì vị trí treo ảnh trong nhà dành treo ảnh thờ các cụ. 

Việc chụp ảnh đám cưới lúc đó là một điều vô cùng hấp dẫn, lạ mắt. Cả đám đông im phăng phắc chờ hiệu lệnh của người chụp ảnh. Trong mắt tôi hồi đó, người chụp ảnh giống như nhà ảo thuật. Ông ta làm ra dáng vẻ bí hiểm khi lúi húi trong chiếc khăn đen trùm qua máy ảnh. Và tư thế đứng hơi khom người của ông ta mới lạ làm sao, nó duyên dáng và rất cuốn hút người chụp. Động tác của người chụp ảnh nhanh và lẹ, cử chỉ cuốn hút và luôn tươi cười.

Các máy ảnh ngày xưa không cho phép người ta ngắm qua ống kính nên người chụp ảnh phải ước lượng bằng mắt. Ông ta nhìn đám đông chụp ảnh một lượt, và khi thấy ổn thì nhỏ nhẹ nói “tôi chụp nhé, 1 2 3”. Vậy là, một luồng chớp sáng lóa làm sáng trưng cả gian phòng. Sau 2 bức ảnh, nếu ai có nhu cầu chụp nữa, thì họ sẽ để lại địa chỉ cửa hàng. Chụp ảnh đám cưới lúc đó thật chuyên nghiệp. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy thú vị.

Số lượng những người chụp ảnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, không chỉ có người Việt chụp mà còn có cả người Tây cũng như người Tàu chụp ảnh. Các thợ ảnh trước đây đi chụp ảnh cưới từ phong cách đến điệu bộ đều rất chuyên nghiệp. Người đến chụp ảnh đám cưới ăn mặc rất đàng hoàng, đeo nơ ở cổ đi đứng rất nhẹ nhàng, ăn nói có trước có sau. Thợ ảnh mang theo một chiếc máy ảnh rất to chụp bằng phim kính và tỏ ra thuần thục trong việc chọn vị trí đặt chân máy. Chụp ảnh mà cứ như không vậy, không làm xáo trộn gì đến các hoạt động của đám cưới cả.

Đám cưới thời kháng chiến

Thời kháng chiến, số lượng ảnh đám cưới đã tăng lên nhiều cỡ khoảng 1 cuộn phim 36 kiểu. Hồi đó, tôi may mắn có chiếc máy ảnh nhưng đời sống khó khăn nên chỉ có bạn bè thân thiết, họ hàng hoặc thủ trưởng cơ quan tôi mới nhận lời chụp. Mà toàn chụp tặng có lấy tiền bao giờ đâu. Phim ảnh lại rất rẻ, thuốc, giấy làm phim đen trắng bán ở các quầy mậu dịch nhiều mà chất lượng thì tuyệt thật, nhất là các phim BMP7 của Đức. Đi chụp ảnh về tôi tự tay làm buồng tối.

Các bức ảnh được làm rất kỹ qua nhiều công đoạn ngâm tẩm hóa chất và xử lý cắt cúp nên đến bây giờ mà nước ảnh vẫn còn mới nguyên. Và các cảnh trong đám cưới cũng phong phú hơn rất nhiều. Đôi vợ chồng trẻ ngoài một cái ảnh chân dung còn có những cảnh khác như chụp với người thân. Các cô dâu chú rể ngày xưa chụp ảnh cưới cũng e ấp lắm chứ không táo bạo như bây giờ, nên rất ít người chụp phòng tân hôn. Nhưng cũng có lần chỉ với ánh sáng mờ ảo được thắp nên bởi những que diêm Thống Nhất, thế mà tôi đã chụp được cảnh cô dâu chú rể hôn nhau đẹp tuyệt vời. Đến bây giờ, người ta vẫn thi thoảng nhắc đến bức ảnh này.

Có một đám cưới mà tôi chụp vào khoảng những năm 1971, 1972 đã được ủy ban tố cáo tội ác Mỹ ném bom B52 sử dụng làm dẫn chứng cụ thể về tội ác Mỹ trút xuống Hà Nội. Tất cả những cô phù dâu là y tá, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai trong đám cưới đó đã bị chết kẹt trong căn hầm trú bom. Tôi là người cuối cùng ghi lại được hình ảnh của các cô đang rất vui vẻ trong đám cưới. Và những bức ảnh này còn được Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương dùng cho bộ phim “Hà Nội, bản anh hùng ca”.                           

Đến đám cưới ngày nay

So với các đám cưới trước kia, tôi thấy bây giờ người ta chụp ảnh đám cưới đã quá đà, khoa trương và thật trái ngược với tính cách của người Hà Nội. Người ta có thể chụp hàng chục cuộn phim mà cuối cùng cũng không biết dùng vào việc gì. Tôi đã từng chứng kiến một đám cưới mà chú rể chỉ chờ nhà hàng đem trả ảnh để xé. Vì người ta vừa cưới nhau được vài hôm đã ly hôn. Vì thế, tôi nghĩ rằng, tình cảm của đôi trai gái càng nồng ấm, càng sâu đậm bao nhiêu thì nguời ta càng trân trọng tấm ảnh cưới bấy nhiêu.

Những bộ ảnh cưới bây giờ, bộ ảnh nào cũng có nét nhang nhác giống nhau bởi người ta sử dụng phần mềm photoshop can thiệp quá sâu trong bức ảnh. Số lượng máy ảnh nhiều nên người ta cho rằng ai cũng có thể chụp ảnh đám cưới. Nhưng chính sự không chuyên nghiệp này đã khiến cho cô dâu chú rể bị gượng gạo. Họ chụp ảnh mà hò hét như đi đánh trận rồi chớp sáng lóe lên như thế thì rất khó có được một bức ảnh đẹp. Tôi ngẫm ra một điều rằng: người chụp ảnh không chỉ là người ghi hình mà anh ta còn là một nghệ sĩ cừ khôi. Anh ta càng hài hước, càng duyên dáng bao nhiêu thì cô dâu, chú rể càng tự nhiên bấy nhiêu.

Đám cưới là điểm mở đầu cho một cuộc sống mới, cho sự sinh sôi nảy nở nên chúng ta cần trở về với quan niệm của các cụ ngày xưa khi chụp ảnh đám cưới. Đó là sự tiết kiệm nhưng lại rất trân trọng những tấm hình còn lưu giữ cho đến mai sau.

Phạm Thu Hương (Ghi)