Ảnh cưới Hà Nội xưa

(ANTĐ) - Tôi lấy vợ năm 1975, lễ cưới được tổ chức tại Hội trường Báo Ảnh Việt Nam - 79 Lý Thường Kiệt vào một ngày bình thường, trong giờ hành chính, như yêu cầu của đồng chí Phó TBT Báo Ảnh Nguyễn Thanh Địch “để anh em dự cho tiện lợi, đỡ mất công mất việc”.

Ảnh cưới Hà Nội xưa

(ANTĐ) - Tôi lấy vợ năm 1975, lễ cưới được tổ chức tại Hội trường Báo Ảnh Việt Nam - 79 Lý Thường Kiệt vào một ngày bình thường, trong giờ hành chính, như yêu cầu của đồng chí Phó TBT Báo Ảnh Nguyễn Thanh Địch “để anh em dự cho tiện lợi, đỡ mất công mất việc”.

Vài ngày trước lễ thành hôn, bác Địch căn dặn: “Hà Nội đang có phong trào nếp sống mới, đừng thuê ôtô cho phức tạp. Cậu học ở Liên Xô nên càng phải gương mẫu. À, nhớ cắt tóc đi nhé! Tóc hơi dài đấy”. Hồi đó, ai có điều kiện thì thuê ôtô chở khách, vài ba chục chỗ. Hiếm xe lắm, có chiếc vừa đi chở khách từ các tỉnh về đã lao vào phục vụ đám cưới, xe chưa kịp dọn dẹp, rửa cho sạch sẽ.

Nghe lời dặn của thủ trưởng, tôi vội đi cắt tóc sao cho càng cao càng tốt, đi liên hệ vài chiếc xe xích lô để đón dâu (từ chùa Tô Hoàng - Bạch Mai sang Lê Đại Hành cách nhau chừng 1km). Ba xe xích lô này còn có nhiệm vụ khác là chở bánh kẹo, phích nước sôi và ấm chén từ nhà tôi lên cơ quan ở phố Lý Thường Kiệt để ra mắt họ hàng và toàn cơ quan.

Thời đó, cán bộ, công nhân viên, nhà báo khi lấy vợ lấy chồng đều trông nhờ vào cơ quan bởi chỉ ở đó mới có chỗ ngồi cho vài chục người, chứ đâu có nhà hàng, khách sạn như bây giờ. Mọi thủ tục cưới thật đơn giản, không có ăn mặn, rót rượu, cắt bánh, chiếu phim như bây giờ.

Là cơ quan nhiếp ảnh nên Báo Ảnh quy định, ai lấy vợ lấy chồng thì cơ quan làm quà cho 1 bộ ảnh trọn vẹn gồm: 1 cuộn phim ORWO đen trắng và phóng đủ 36 kiểu.

Tôi ở Nga về phép cũng được hưởng tiêu chuẩn này. Công đoàn cử hẳn một phóng viên giỏi là anh Trọng Thanh chụp cho tôi. Anh Thanh vừa nhận 1 cuộn ORWO đen trắng mới thì bác Minh Đường (PV lão làng, bố của nhà báo Minh Quốc - Báo Ảnh Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu: “Để tao chụp cho Vũ Huyến vì chính tao dẫn nó đi chụp khi nó mới vào nghề. Bây giờ nó lấy vợ. Việc đó phải để cho tao”.

Bác Minh Đường có chiếc máy của CHDC Đức Pratica mới lĩnh nên khai trương luôn trong đám cưới Vũ Huyến. Ngày cưới, khoảng 3h chiều, trên tầng 2 Báo Ảnh Việt Nam vào lúc trời nắng chang chang, bác Minh Đường cẩn thận lắp thêm đèn chụp cỡ lớn, lại tiện trong máy có cuộn phim 27 DIN. Thế là cuối cùng phim bị quá sáng, 1 cuộn chỉ được hơn 10 kiểu.

Thời bao cấp, do phải chống trả cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc xâm lược, lo cho chiến trường miền Nam, sinh hoạt vật chất và điều kiện làm việc của các nhiếp ảnh Việt Nam ở miền Bắc rất thiếu thốn. Tuy vậy họ vẫn được Nhà nước ưu tiên, phóng viên nhiếp ảnh, quay phim được mua tiêu chuẩn gạo hàng tháng tương đương như tiêu chuẩn của bộ đội lái máy bay và lính xe tăng, mỗi tháng được gần 20kg gạo. Các thiết bị nhiếp ảnh chỉ được nhập qua 2 nguồn sản xuất là Liên Xô và CHDC Đức. Máy ảnh Nga dễ chụp, có độ bền nhưng chất lượng ống kính có hạn, máy ảnh Đức thì hay hỏng vặt và ống kính hay bị mốc, các loại ống kính phụ thường dùng là telé 135mm và góc rộng 28 hoặc 35mm...

Đi chụp cưới ai có télé 135mm là đủ rồi. Còn phim chụp do Liên Xô (các loại CBEMA hay ILFO) hoặc ORWO ZODIN của Đức, ai từ nước ngoài về thì dùng phim INFOC hay Kodak.

Người Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc những năm 60 thường chơi ảnh cưới cỡ 6x9cm, từ những năm 70 là cỡ ảnh 9x12, thường chỉ 1 cuộn là đủ rồi, trong đó 5 kiểu ăn hỏi, 5 kiểu đón dâu, 10 kiểu tại hội trường, non nửa cuộn còn lại dành riêng cho cô dâu chú rể tại phòng riêng chụp sau khi từ lễ cưới trở về. Bố cục và nội dung ảnh của mọi đám cưới thường như nhau: Tại nhà gái là ảnh chụp mẹ và con gái trước lúc về nhà chồng, anh chị em nhà gái, cô dâu và bố mẹ, nhà trai đến dự, trao hoa, chú rể chụp chung với gia đình nhà mình, với tập thể bạn bè, cô bác thật thân.

Hồi đó, chưa lấy nhau, chưa đón dâu là chưa chụp ảnh cùng nhau. Tới những năm 80, vào đầu thời kỳ đổi mới, phim màu làm ảnh mới được sử dụng trong đám cưới. Ở Hà Nội mỗi đám 1 cuộn đen trắng và 10 hoặc 15 kiểu ảnh màu. Ở nông thôn hay miền núi, phải nhà có máu mặt mới chụp ảnh màu. Năm 1989, ở Hà Nội có vài tiệm làm ảnh Minilap, trong đó có 1 tiệm của Báo Ảnh Việt Nam lấy tên Photocen do anh Lê Phúc làm Giám đốc. Vài năm sau, ăn nên làm ra, Báo Ảnh mở Photocen 2 tại phố Ngô Thì Nhậm, giao cho tôi phụ trách. Tôi nhớ cái Tết đầu của Photocen 2 có tới hơn 1.000 tấm ảnh màu, trong đó có vài trăm chiếc là ảnh chụp lễ cưới.

Bây giờ Hà Nội , thành phố Hồ Chí Minh và cả nước có bao nhiêu tiệm làm ảnh bằng máy KTS, cả nước có bao nhiêu máy ảnh số? Hẳn không ai đếm được và đám cưới ở Việt Nam, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, chi bao nhiêu tiền cho việc chụp ảnh, làm phim? Hẳn không ai đoán được! Nhưng nhắc lại việc chụp ảnh cưới, chỉ qua vài chục năm đủ thấy xã hội Việt Nam, nghề ảnh cưới ở Việt Nam đã phát triển như thế nào?

Vũ Huyến