Anh: Công nghệ rửa tiền thông qua bất động sản hạng sang

ANTĐ - Thông tin đăng tải trên tờ DailyMail hôm 5.3 cho hay, hàng ngàn ngôi nhà ngay giữa thủ đô London (Anh) được mua từ tiền tham nhũng hay để rửa tiền. Kẽ hở từ hệ thống luật pháp là nguyên nhân chính đã khiến Anh đứng trước nguy cơ trở thành “thiên đường” của tội phạm rửa tiền và tham nhũng.

Anh: Công nghệ rửa tiền thông qua bất động sản hạng sang  ảnh 1Ông Mukhtar Ablyazov - cựu giám đốc ngân hàng BTA của Kazakh bị cáo buộc tham nhũng và rửa tiền tại Anh

“Thỏi nam châm” thu hút dòng tiền tham nhũng toàn cầu

Báo cáo của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI), trong đó bao gồm số liệu nội bộ trước đó chưa được công bố từ lực lượng chống tham nhũng của Sở Cảnh sát London cho thấy, 75% tài sản thuộc sở hữu của người bị điều tra liên quan đến tham nhũng được thực hiện thông qua các công ty bí mật ở nước ngoài. London đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút dòng tiền tham nhũng toàn cầu. Khoảng 36.000 ngôi nhà ở London đang thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở ở nước ngoài. Gần như một trong 10 khách sạn tại thành phố Westminster và một trong 14 khách sạn ở Kensington và Chelsea thuộc sở hữu của các công ty đăng ký tài khoản ở nước ngoài.

Số liệu từ cảnh sát Anh cho biết, hơn 180 triệu bảng Anh giá trị bất động sản đã bị điều tra vì nghi ngờ có liên quan đến hành vi tham nhũng hay rửa tiền từ năm 2004. Tuy nhiên, con số này có thể thấp hơn nhiều so với thực tế. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, chỉ có 1% trường hợp rửa tiền được các cơ quan chức năng phát hiện.

“Điểm đến” yêu thích của các chính trị gia nước ngoài

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều bất động sản thuộc sở hữu của chính trị gia, không ít người đến từ các quốc gia nghèo nhất thế giới hoặc quốc gia đang phát triển. Đại lộ Bishops, phía tây bắc London được gọi là “phố tỷ phú” với những ngôi nhà “siêu sang”. Giá bán bình quân các biệt thự rộng lớn nằm rải rác trên phố này trong ba năm qua là 16 triệu bảng Anh. Căn biệt thự gần đây nhất được rao bán trên trang web Zoopla có giá là 33,7 triệu bảng. Trên phố này có tòa nhà Carlton House của Mukhtar Ablyazov - cựu giám đốc ngân hàng BTA của Kazakh bị cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Tòa nhà đang được rao bán để trả khoản nợ 6 tỷ USD cho ngân hàng BTA. Ông Ablyazov hiện đang chờ dẫn độ từ Pháp sang Nga, Ukraine và Kazakhstan. Trước đó, tại tòa án tối cao ở London, ông Ablyazov nói rằng, Carlton House chỉ là bất động sản thuê lại chứ không phải tài sản do ông sở hữu. Sau khi rà soát mạng lưới các công ty nước ngoài đã mua bất động sản tại Anh, các cơ quan chức năng kết luận rằng, ông Mukhtar Ablyazov là người mua tòa nhà trên.

Hoạt động rửa tiền rất hiếm khi bị khởi tố hình sự tại Anh. Một trong những vụ “hiếm hoi” đó liên quan đến James Ibori - một chính trị gia người Nigeria đã đánh cắp hàng triệu bảng Anh từ ngân sách bang Delta State - nơi ông là thống đốc. Ông bị kết tội gian lận và rửa tiền tại Anh vào năm 2012. Tiến hành điều tra mở rộng, cảnh sát phát hiện ra rằng, ông James Ibori đã sử dụng danh nghĩa các công ty nước ngoài tại địa điểm bí mật mua ngôi nhà ở London có sáu phòng ngủ, hồ bơi trong nhà trị giá 2.2 triệu bảng Anh. Ngoài ra, ông James Ibori cũng sở hữu một dinh thự ở Dorset trị giá 3,2 triệu bảng Anh cùng nhiều bất động sản ở Nigeria. Saadi Gaddafi, con trai thứ ba của nhà lãnh đạo Libya Muammar al Gaddafi cũng sở hữu dinh thự trị giá 10 triệu bảng ở Anh. Đó là dinh thực với tám phòng ngủ, có rạp chiếu phim riêng cùng nhiều tiện nghi vô cùng hiện đại. Theo các nhà điều tra, Saadi Gaddafi đã tham nhũng hàng tỷ đô la và rửa tiền bằng cách mua bất động sản ở nước ngoài. 

Kẽ hở trong hệ thống luật pháp

TI cho biết, sự lỏng lẻo trong các quy định của Anh về việc công bố quyền sở hữu tài sản là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Bất kỳ công ty vô danh ở một địa điểm bí mật, chẳng hạn như quần đảo Virgin của Anh có thể mua và bán nhà ở Anh mà không cần công bố thông tin người mua thực sự. Theo thông kê, hơn 1/3 công ty sở hữu nhà ở London là những công ty vô danh ở quần đảo British Virgin. Các công ty ở Jersey sở hữu 14% số nhà đất ở London và con số tương tự các công ty ở Isle of Man và Guernsey là 8,5% và 8%.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng chỉ có thể điều tra hoạt động rửa tiền trên cơ sở thông tin người bán, người mua tài sản. TI kêu gọi Chính phủ Anh phải có hành động mạnh mẽ để Anh không trở thành "thiên đường an toàn cho tham nhũng toàn cầu”. Các chuyên gia cũng cho rằng, Anh cần ban hành quy định yêu cầu các chủ sở hữu bất động sản ở Anh phải đăng ký công khai danh tính với cơ quan quản lý nhà đất.