NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam:

"Ảnh cắt ghép rất tinh vi, chỉ biết tin vào tác giả"

ANTD.VN - Liên tiếp các bức ảnh ghép đoạt giải cao bị “tố” đã tạo nên sự hoài nghi trong dư luận về uy tín của Ban giám khảo và Ban tổ chức các Liên hoan Ảnh khu vực Hà Nội, TP.HCM và miền núi phía Bắc. Theo ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, vấn đề này cần được nhìn nhận từ gốc tới ngọn, chứ không thể chủ quan đánh giá…

Sai sót là không tránh khỏi

- PV: Liên tiếp các sai sót trong quá trình chấm giải được các nhà nhiếp ảnh chỉ ra. Công bằng mà nói, lỗi thuộc về ai, tác giả hay BGK, thưa ông?

- Ông Vũ Quốc Khánh: Vấn đề này cần được nhìn từ gốc tới ngọn, tức là, từ các nhiệm kỳ trước, các Liên hoan Ảnh khu vực luôn ghi trong quy chế rằng, “không chấp nhận ảnh ghép làm sai lệch sự thật”. Câu này nếu hiểu theo cách khác có nghĩa, cuộc thi đó vẫn chấp nhận ảnh chắp ghép miễn sao không làm sai lệch sự thật, đã gây khó cho BTC, BGK và tác giả. Nếu tác giả không hiểu đúng tinh thần của quy chế sẽ cho rằng, mình được quyền mang ảnh cắt ghép dự thi và thực tế đã xuất hiện các nhà nhiếp ảnh như vậy. 

- Theo ông, tại sao đến thời điểm này, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn không sửa lỗi?

- Dù tạo ra sự hiểu lầm cho người dự thi nhưng đến nay, quy chế này vẫn chưa sửa là bởi Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh muốn tạo ra sân chơi thoáng cho tất cả anh em nghệ sỹ. Đúng ra, nhiếp ảnh phải chia thành 2 sân chơi riêng biệt là ảnh đồ họa (chấp nhận cắt ghép) và ảnh hiện thực. Nhưng với các cuộc chơi mang tính phong trào, từ trước tới nay chỉ có một sân chơi, được gọi chung trong một cái tên là Liên hoan Ảnh khu vực. Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam từng có ý định phân định rạch ròi giữa ảnh hiện thực và ảnh đồ họa, thì vấp ngay phải ý kiến cho rằng, hội sẽ bóp nghẹt các cuộc thi phong trào nếu không cho sử dụng photoshop. 

- Không lẽ, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam lại làm ngơ trước dư luận ồn ào sau mỗi cuộc thi vì “ảnh ghép vẫn đoạt giải cao”, thưa ông?

- Trước sức ép của dư luận, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã chấp nhận 2 lá đơn xin rút giải Vàng tại Liên hoan Ảnh khu vực Hà Nội và miền núi phía Bắc. Thực ra, việc rút giải thưởng cũng là việc cực chẳng đã. Đúng ra, công tác thẩm định tính trung thực của tác giả cần làm từ trước khi công bố giải thưởng nhưng vì từ trước tới nay, hội có tiền lệ là chấm ảnh công khai, tức là sáng chấm ảnh, chiều công bố ngay nên sự sai sót là điều khó tránh khỏi. Trong khi ấy, việc cắt ghép ảnh được xử lý rất tinh vi. Hội đồng giám khảo chỉ quan tâm tới vấn đề nghệ thuật, nội dung, còn khâu thẩm định ảnh thực ra là thuộc về BTC. Nhưng dù sao, thời gian tới, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ thông qua Ban chấp hành để khắc phục những tồn tại của các Liên hoan Ảnh khu vực như không chấp nhận ảnh chắp ghép, gửi file gốc về BTC để đối chiếu và rất có thể sẽ không tiến hành chấm ảnh công khai. 

"Ảnh cắt ghép rất tinh vi, chỉ biết tin vào tác giả" ảnh 2Bức ảnh “Vùng cao no ấm” của tác giả Vũ Chiến đã buộc phải thu hồi giải Vàng tại Liên hoan Ảnh khu vực miền núi phía Bắc vì phạm quy

Cần có quy định cụ thể và khắt khe

- Bên cạnh các biện pháp như trên, ông có cho rằng, hội cần thay đổi cả thành phần BGK để nâng cao chất lượng chấm ảnh?

- Muốn trở thành thành viên Hội đồng nghệ thuật (HĐNT), anh phải là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, có tước hiệu, kinh nghiệm sống và sự am hiểu. Nghệ thuật nói cho cùng là để phục vụ cuộc sống và nhiệm vụ chính trị, nếu chỉ để đáp ứng về kỹ thuật thì chúng ta không cần đến các nhà nhiếp ảnh mà chỉ cần các kỹ thuật viên photoshop đang làm việc tại các hiệu ảnh cũng có thể làm được. Còn về độ tuổi, các nhà nhiếp ảnh trẻ có thể nắm bắt nhanh nhạy với công nghệ nhưng độ uy tín, thuyết phục các bậc cây đa, cây đề dự thi là rất khó khăn. Chính vì vậy, để đảm bảo độ uy tín cho các cuộc thi ảnh, hội vẫn tín nhiệm các nhà nhiệm ảnh U50. Và tôi xin nhắc lại một lần nữa, HĐNT chỉ chịu trách nhiệm về nội dung và nghệ thuật, phần còn lại thuộc về BTC. 

- Vậy công tác thẩm định ảnh phạm quy đang được hội thực hiện ra sao, thưa ông?

- Trước mỗi cuộc thi, các nhà nhiếp ảnh đều có trách nhiệm gửi file gốc cho BTC. Nhưng công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Một phần vì anh em không thực hiện, phần khác, với sự phát triển của công nghệ, tác giả có thể sửa được cả trên file gốc. Vì thế, tôi cho rằng, tính trung thực của tác giả mới là điều đáng nói ở đây. Chỉ có tác giả mới biết rõ mình đã làm gì với tác phẩm.

- Nhưng nếu cứ phụ thuộc vào độ trung thực của tác giả, ông có tin, những sự việc đáng tiếc sẽ không dừng lại?

-Tôi cho rằng, đã đến lúc, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cần có các quy định cụ thể và khắt khe hơn với các hội viên. Nếu tác giả không đáp ứng yêu cầu của BTC như không gửi file gốc thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Và để thỏa mãn người chơi, hội sẽ tạo ra sân chơi cho những người thích sử dụng kỹ xảo. Để từ đó, dần định hướng sáng tác cho các anh em nghệ sỹ trở lại với bản chất đích thực của nhiếp ảnh là khoảnh khắc. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!