Ẩn ý quan trọng nhất trong bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Joe Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ở nửa chừng bài phát biểu nhậm chức hôm 20-1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến một điều rất quan trọng về công việc của chính quyền mới và cách ông hình dung về nhiệm kỳ Tổng thống của mình: “Chính trị không nhất thiết phải là một ngọn lửa cuồng nộ phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Mọi bất đồng không nhất thiết phải là nguyên nhân của chiến tranh tổng lực”.

Lời phát biểu đó cùng xúc cảm dồn nén đằng sau nó không chỉ bác bỏ thế giới quan chính trị của người tiền nhiệm mà còn là niềm tin cốt lõi của ông Biden về trọng trách Tổng thống mà ông sẽ đảm nhiệm 4 năm tới.

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ 2021 diễn ra trang trọng với nhiều kỳ vọng mới

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ 2021 diễn ra trang trọng với nhiều kỳ vọng mới

Niềm tin hàn gắn và đoàn kết

Ông Biden đã không đề cập bất cứ từ nào đến ông Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức của mình, nhưng có lẽ mọi người đều nhớ những lời cay nghiệt mà cựu Tổng thống Donald Trump khi nói về những người, dù theo đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, không đồng ý với ông. Sau khi bị luận tội và được tha bổng vào năm 2019 về những cáo buộc liên quan đến lạm dụng quyền lực để gây áp lực với Ukraine, ông Trump đã tố cáo các chính trị gia “xấu xa” và “bức hại” ông.

Và khi phát biểu trước đám đông những người ủng hộ mình vào ngày 6-1, ông Trump nói với họ: “Chúng ta phải chiến đấu. Và nếu không chiến đấu điên cuồng, bạn sẽ không còn đất nước nữa”. Tổng thống Trump khi đó đã nói những điều đó vì ông cho rằng nó hiệu quả và chưa bao giờ thực sự lo lắng về hậu quả của nó, mà vụ bạo loạn tại Điện Capitol là một minh chứng rõ ràng.

Tuy nhiên, không chỉ ông Trump, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa khác cũng có quan điểm chính trị tương tự, họ lên tiếng chế nhạo Đảng Dân chủ và dường như “vũ khí hóa” đảng phái vì lợi ích chính trị thuần túy. Đúng như ông Biden mô tả, Tổng thống mãn nhiệm đã để “ngọn lửa cuồng nộ phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó”. Và các thành viên đảng Cộng hòa của ông, thay vì cố gắng dập tắt ngọn lửa đó, đã quyết định đứng sang một bên hoặc “đổ thêm dầu vào lửa” bởi vì đó là con đường dễ thực hiện hơn, nói về mặt chính trị.

Lời nhắc nhở của Tổng thống Biden rằng chính trị không nhất thiết phải là một cuộc chiến toàn diện giữa hai bên chỉ nhằm tiêu diệt bên kia hơn thế còn nói lên một kỳ vọng về sự thống nhất thực sự. “Tôi biết ngày nay việc nói về sự thống nhất có thể nghe giống như một điều tưởng tượng ngu ngốc”, ông Biden nói nhưng ông nhấn mạnh rằng, ông tin nước Mỹ sẽ thấy những điều tốt đẹp hơn 4 năm qua. “Đây là thời điểm lịch sử của khủng hoảng và thách thức của chúng ta. Và đoàn kết là con đường phía trước. Chúng ta phải thích ứng với thời điểm này với tư cách là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.

Bài phát biểu của tân Tổng thống Biden ẩn ý rằng, cần vượt qua khác biệt đảng phái để đoàn kết cùng nhau. “Trong công việc phía trước, chúng ta sẽ cần nhau”, ông nói ở gần cuối bài diễn văn.

An ninh hậu ngày nhậm chức

Khoảng 25.000 lính vệ binh quốc gia cùng các lực lượng tăng cường từ Cục Điều tra liên bang (FBI), Sở Mật vụ Mỹ, Bộ An ninh nội địa, Sở Cảnh sát Washington DC và Cảnh sát Quốc hội Mỹ được triển khai tại Thủ đô. Các tuyến phố ra vào trung tâm thành phố và xung quanh khu vực diễn ra lễ nhậm chức đều bị phong tỏa tới hết ngày 21-1.

Vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, một số hàng rào an ninh ở Thủ đô Washington DC bắt đầu được tháo dỡ nhưng rõ ràng là, an ninh ở Thủ đô nước Mỹ sẽ được đặt ở mức cảnh báo cao hơn, không giống như trước khi có cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6-1. Tòa nhà Quốc hội sẽ vẫn là tâm điểm cần bảo vệ khi tân Tổng thống sẽ có bài phát biểu trong phiên họp chung của Quốc hội và cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đối mặt với nguy cơ luận tội lần thứ hai.

Thị trưởng Washington Muriel Bowser hôm 19-1 cho biết, kế hoạch an ninh mới đang được triển khai nhưng bà không muốn “có hàng rào và quân đội vũ trang khắp thành phố lâu hơn mức cần thiết. “Số lượng đó có thể tăng lên hoặc giảm xuống tùy thuộc vào yêu cầu của chính quyền liên bang hoặc cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Nhưng thực sự sau lễ nhậm chức, chúng tôi sẽ xem xét các điều kiện, môi trường và sứ mệnh mà chúng tôi được yêu cầu thực hiện. Nếu có thể, chúng tôi sẽ cho binh sĩ trở lại đơn vị nhanh nhất có thể”, Tướng Daniel Robert Hokanson, Cục trưởng Cục Vệ binh Quốc gia cho biết.

Tại Điện Capitol, máy dò kim loại được đặt ở các lối vào phòng họp, đề phòng một số nghị sĩ hoặc khách đến thăm mang theo súng. Cục trưởng Hokanson nói rằng ông muốn chọn cách tiếp cận thông minh hơn. “Thật không may, nước Mỹ xảy ra những vụ khủng bố khác tất cả các nước khác, vì thế chúng tôi muốn xem đâu là cách tiếp cận tốt nhất để cứng rắn mà không có vẻ như đang phải củng cố an ninh”.

“Đây là thời khắc lịch sử của chúng ta về khủng hoảng và thách thức, nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó nhờ đoàn kết. Tôi biết ngày nay nói về sự thống nhất có thể nghe giống như một điều tưởng tượng ngu ngốc. Tôi biết những thế lực chia rẽ chúng ta rất sâu sắc và chúng là có thật. Tôi cũng biết chúng không phải là mới, nhưng đoàn kết chính là con đường phía trước”.