“Ăn xổi ở thì”

(ANTĐ) - Một trong những nội dung cơ bản sẽ được sửa đổi trong Luật Khoáng sản đã được trình lên Quốc hội kỳ này là: hướng đến điều chỉnh, siết chặt việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Nguồn tài nguyên đất nước không phải là vô tận, trái lại đang ngày càng cạn kiệt, thậm chí sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài trong vài năm tới. Một đại biểu Quốc hội vùng Tây Nguyên, một trong những điểm nóng nhất về khai thác khoáng sản, nhận xét tình trạng, khai thác tràn lan trên khắp cả nước thực chất là “ăn xổi ở thì”.

“Ăn xổi ở thì”

(ANTĐ) - Một trong những nội dung cơ bản sẽ được sửa đổi trong Luật Khoáng sản đã được trình lên Quốc hội kỳ này là: hướng đến điều chỉnh, siết chặt việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Nguồn tài nguyên đất nước không phải là vô tận, trái lại đang ngày càng cạn kiệt, thậm chí sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài trong vài năm tới. Một đại biểu Quốc hội vùng Tây Nguyên, một trong những điểm nóng nhất về khai thác khoáng sản, nhận xét tình trạng, khai thác tràn lan trên khắp cả nước thực chất là “ăn xổi ở thì”.

Trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đọc trước Quốc hội nhấn mạnh: “Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản” và “tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô”. Vậy hai dự thảo luật là Luật Khoáng sản và Luật Thuế bảo vệ môi trường (lần đầu) đã được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua có góp phần thực hiện chủ trương và định hướng đúng đắn của Chính phủ, đồng thời chấm dứt tình trạng “Ăn xổi ở thì”? “Soi” vào năm thay đổi lớn của Luật Khoáng sản, theo ý kiến của giới chuyên gia, rất khó giúp cho tình hình khai khoáng trở nên lành mạnh, hợp lý và hiệu quả hơn. Vì sao?

Bởi mấu chốt lại nằm ở khâu cấp phép khai thác ở các địa phương. Hơn thế, dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi chỉ là điều chỉnh khâu khai thác mà không “đả động” đến toàn bộ hoạt động chế biến và sử dụng khoáng sản. Thực ra, tình trạng “Ăn xổi ở thì” lại nằm ở khâu chế biến.

Tương tự, Luật Thuế bảo vệ môi trường lần đầu tiên được xây dựng, dù “sinh sau đẻ muộn” song lại không hướng đến điều chỉnh quá trình sản xuất có hại cho môi trường vì cho rằng, quá trình sản xuất gây hại nhiều nhất là xả thải đã được quy định thông qua việc thu phí là… hợp lý. Mục đích thu thuế qua Luật Thuế bảo vệ môi trường là nhằm “đánh” vào đối tượng và hành vi gây hại từ đầu là các nhà sản xuất và công nghệ sản xuất, nhất là ngành khai khoáng. Nếu để “lọt lưới” các đối tượng này thì các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nhất chẳng hề hấn gì.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận xét, dự Luật Thuế khiến nhiều đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính do gây ô nhiễm môi trường vẫn “bình chân như vại” do pháp luật không có quy định điều chỉnh, vì thế tài nguyên quốc gia vẫn “chảy máu” và môi trường ngày càng bị “đầu độc”. Nói một cách ngắn gọn, mặc dù hai dự luật này tách rời nhau nhưng lại càng hướng đến một mục đích chung là bảo vệ môi trường, môi sinh và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên hữu hạn của đất nước.

Hầu như nhiều nội dung của cả hai dự luật trên mới chỉ “chạm” đến ngọn của vấn đề. Vậy gốc của thực trạng khai thác tràn lan là đâu? Đó là việc quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương đang bị lạm dụng, hàng ngàn giấy phép khai thác mỏ đã được cấp phép từ Bắc tới miền Trung, Tây Nguyên. Tài nguyên của đất nước bị đào bới vô tội vạ, nhưng nguồn thu ngân sách không tương xứng với số lượng khoáng sản đã và đang khai thác. Đáng lo ngại là việc thất thoát tài nguyên quốc gia chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất lậu qua biên giới.

Không chỉ môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đất nước ngày càng nghèo đi mà làm đầy túi tiền cho một số người. Một đại biểu Quốc hội nhận xét, dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi chưa có chế tài xử lý nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình khai thác, gây thiệt hại môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Những vấn đề lớn như tính toán thiệt hại, bù đắp môi trường như thế nào so với lợi ích thu được, các kịch bản ứng phó với sự cố ra sao sẽ khó lòng được luật hóa dù dưới cách diễn đạt này hay cách khác.

Với kiểu khai thác tài nguyên “Ăn xổi ở thì” như hiện nay, chẳng biết còn có gì để lại cho con cháu ngoài nguồn khoáng sản “rỗng ruột” và một môi trường tiêu điều, ô nhiễm? “Ăn xổi ở thì” đâu chỉ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên.

Đan Thanh