“Ăn xổi” đến bao giờ?

(ANTĐ) - Trong một cuộc họp gần đây với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khuyến cáo các “đại gia” này chỉ nên đầu tư ngoài ngành ở mức 30% vốn chủ sở hữu. Riêng việc đầu tư vào ngành ngân hàng, Thủ tướng cho rằng, các tập đoàn chỉ nên nắm giữ 15% vốn điều lệ.

“Ăn xổi” đến bao giờ?

(ANTĐ) - Trong một cuộc họp gần đây với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khuyến cáo các “đại gia” này chỉ nên đầu tư ngoài ngành ở mức 30% vốn chủ sở hữu. Riêng việc đầu tư vào ngành ngân hàng, Thủ tướng cho rằng, các tập đoàn chỉ nên nắm giữ 15% vốn điều lệ.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính ngay trong tháng 4 này phải hoàn tất quy định về vấn đề đầu tư của các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước để góp phần kiềm chế lạm phát.

Vậy mà, khi “mổ xẻ” vốn chủ sở hữu của 53 tập đoàn, tổng công ty, thì đã “phát hiện” ra có tới 37% vốn (khoảng 111.037 tỷ đồng) đang được “đổ” tràn lan vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính, không chỉ gây lãng phí nguồn tài chính quốc gia mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong tình thế lạm phát chưa có dấu hiệu chững lại, dự báo ít nhất phải sang năm 2009 mới có thể hạ nhiệt, tình trạng đầu tư dàn trải, trước hết khiến cho doanh nghiệp hụt vốn, không đủ nguồn lực để đầu tư cho các sản phẩm chính của mình.

Đầu tư tới 50,2% tổng tài sản cho các lĩnh vực ngoài ngành như Tổng Công ty Đường sông miền Nam, hoặc tới 27,5% như Tổng Công ty Vận tải Hà Nội... thì cho dù lớn tiếng tuyên bố “hiệu quả” cũng không dễ trả lời nổi câu hỏi lấy đâu ra vốn để tập trung cho các lĩnh vực “sở trường”, khi mà chính sách tiền tệ, tín dụng đang được thắt chặt.

Bỏ sở trường lấy sở đoản, “bóc ngắn cắn dài”, thì dù có thu lợi nhuận cao trong kinh doanh viễn thông, tài chính - ngân hàng nhưng vẫn để thiếu điện, thiếu than, dầu thô khai thác giảm sút, làm sao có thể “vỗ ngực” là đầu tư thành công.

Đơn cử, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện đang chiếm tới 51% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Chứng khoán dầu khí, 60% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí, 78% vốn điều lệ của Tổng Công ty cổ phần Tài chính dầu khí và vẫn còn tham vọng thành lập ngân hàng, song do có nguồn vốn rất lớn nên số vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này cho tới thời điểm này mới chỉ chiếm khoảng 7% vốn chủ sở hữu, còn cách rất xa con số 30% mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Tương tự, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng tự tin khẳng định có tới 95-96% vốn của tập đoàn đang được đầu tư đúng ngành. Tuy nhiên, ai có thể quả quyết tính hiệu quả của các dự án đầu tư vào các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm đòi hỏi kinh nghiệm bản lĩnh, đầu tư lâu dài và có bài bản.

Ai có thể bảo đảm, “đặt cược” những khoản tiền khổng lồ của Nhà nước trước những rủi ro, bất trắc? Trong cuộc làm việc với những người đứng dầu Chính phủ, đại diện quỹ tiền tệ quốc tế đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc có quá nhiều ngân hàng xuất hiện, cũng như việc các tập đoàn kinh tế Nhà nước mở rộng các loại hình kinh doanh ngoài ngành, thay vì tập trung vào lợi thế chính của mình, đã tác động xấu tới thị trường tài chính trong nước, làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Rõ ràng là xu thế “ăn xổi”, “bóc ngắn cắn dài” của các tập đoàn, tổng công ty đang rộ lên là đáng lo ngại cho toàn bộ nền kinh tế và tác hại lâu dài cho bản thân họ. Lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp, giỏi lắm chỉ khoảng 15-18%.

Nếu đầu tư ra ngoài quá nhiều thì lợi nhuận của ngành nghề kinh doanh chính không thể bù đắp cho những rủi ro mà đầu tư ngoài ngành có thể mang lại. Dân gian ta có câu: “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, cũng có ngày khoai chẳng có mà ăn!

Đan Thanh