Ăn uống dưỡng sức trong mùa thi

(ANTĐ) - Trong cái nóng mùa hè đang ở đỉnh điểm, lại đối mặt với mùa thi đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp với bao áp lực... làm thế nào để giữ gìn sức khỏe, tăng cường thể lực và trí tuệ để đạt được điểm cao trong mùa thi là một bài toán phải giải đối với thí sinh và các bậc phụ huynh.

Ngoài việc xây dựng một thời gian biểu hợp lý, thận trọng trong đi lại, phối hợp hài hòa giữa học tập và nghỉ ngơi... thì ăn uống có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe của các sĩ tử. Dưới đây là những điều cần lưu ý về ăn uống trong những ngày thi:
 Ăn đủ bữa: Không được bỏ bữa dù bận rộn, căng thẳng, nhất là bữa sáng. Nên ăn đầy đủ các chất đạm, béo, rau và trái cây. Chất đạm (như thịt, trứng, cá, cua, đậu) cung cấp các axít amin cần thiết cho sự hưng phấn của hệ thần kinh.

 

- Các con thích ăn gì nào? (phụ huynh động viên con tại Hội đồng tuyển sinh ĐH Công đoàn, Hà Nội) 

Người gầy yếu hoặc ăn ít cần được ăn thêm 1-3 bữa phụ mỗi ngày bằng các thức ăn có sẵn, dễ tìm mua, hoặc vốn đã được ưa thích như chuối, khoai, lạc, mít, nhãn, vải....
Ăn đa dạng : Cần ăn nhiều loại thực phẩm (trên 20 loại mỗi ngày). Trên thực tế không có thức ăn tốt hay tồi, mỗi loại thực phẩm đều có các chất dinh dưỡng riêng. Vì vậy, cần ăn uống đa dạng để có đủ chất.
Một số chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho hoạt động thần kinh, cần được chú ý trong mùa thi cử là:
- I ốt: có trong cá biển và hải sản.
- Sắt (Fe): có trong gan, huyết, thịt, cá hoặc rau xanh.
Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt cũng rất tốt cho hoạt động của hệ thần kinh. Một ly sữa ấm vào buổi tối cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng quý như đạm, canxi, vitamin B12.
Ăn uống vệ sinh: Mùa thi cũng là mùa nắng nóng nên thức ăn dễ bị ôi thiu. Vấn đề lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng. Nên chọn thức ăn tươi, sạch để tránh ngộ độc.
Chế biến hợp lý: Mùa hè nóng nực nên chế biến thức ăn dưới dạng nhiều nước, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Hạn chế các món ăn xào, rán.
Bảo đảm uống đủ nước: Mỗi ngày cần uống 1,5 - 2 lít nước, ngoài lượng nước có trong thức ăn, hạn chế uống nước nguội lạnh, nước đá, tăng cường uống nước trái cây.
Bảo đảm ăn đúng giờ: Nên ăn đúng giờ giấc, không nên tùy tiện ăn sớm, muộn. Không vội vàng cho xong bữa, không vừa ăn vừa học, vừa xem ti vi. Không ăn quá ít, quá nhiều.
Thức ăn tránh dùng: Không ăn thức ăn có chất bảo quản (thức ăn chế biến sẵn), không ăn thức ăn quá mặn (cá khô, thịt ướp muối), không sử dụng đồ kích thích (thuốc lá, rượu bia, chè đặc, cà phê).