Ấn tượng với các nhân vật nữ trong truyện trinh thám đen

ANTD.VN - Nhà văn người Mỹ Cornell Woolrich (1903-1968) được coi là một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn, đưa thể loại truyện noir fiction (tiểu thuyết đen) đến đỉnh cao của sự thành công. Khi nói đến tiểu thuyết của ông, ngoài những nội dung xuyên suốt như tấn công, hoang tưởng, mối đe dọa, cái chết, thì hình tượng người phụ nữ với “tính nữ” cũng là một nét tiêu biểu.

Ở tiểu thuyết trinh thám đen đầu tiên của Cornell Woolrich là "Cô dâu đen", người đọc đã được chứng kiến diễn biến từng vụ án mạng, đến cái kết bất ngờ gây choáng. Nhưng qua lối viết của ông, hình ảnh cô dâu đen hiện lên đầy chết chóc nhưng vẫn đẹp, nét đẹp vừa quyến rũ, bí ẩn và khó có thể chối từ.

Cả cuốn tiểu thuyết là hành trình báo thù của một cô gái bị mất người yêu ngay trước ngày cưới. Đặc điểm nhận dạng của nàng là cô lúc nào cũng mang một chiếc khăn choàng màu đen tựa như cô dâu đến từ địa ngục.

Vụ ám sát nào của cô cũng tinh tế, chính xác, rõ ràng, có chiều sâu cộng thêm sự xuất quỷ nhập thần của nhân vật thật đáng thán phục. Cách cô ấy xác định đối tượng, tiếp cận đối tượng, thu thập thông tin, lên kế hoạch và triển khai... vô cùng kín kẽ và thông minh. 

Cũng gai góc không kém gì "Cô dâu đen", bà Durran trong truyện trinh thám "Theo em vào bóng đêm" cũng được xây dựng theo lối "hoa hồng có gai”. Những lời dối trá bắt đầu từ ngày Louis Durrand gặp Julia Russell ở bến Tàu.

Cô gái với vẻ ngoài xinh đẹp đã hớp hồn người đàn ông thiếu vắng tình yêu lâu năm. Như định mệnh từ đó Louis Durrand bất chấp mọi thứ vì nàng, kể cả biết việc nàng đang lừa dối, kể cả biết nàng là một bông hoa hồng có gai.

Còn ở cuốn tiểu thuyết "Điểm hẹn đen", các nhận vật nữ được xây dựng cá tính hơn nhiều. Đặc biệt là, nhân vật người vợ trong vụ án thứ hai. Ở nàng có sự thông minh, xinh đẹp, quyến rũ nhưng lại bất hạnh khi có người chồng trăng hoa. Với trí thông minh, nàng đã tạo ra từng cái bẫy tinh vi, tất cả để dành cho mục tiêu duy nhất: dạy cho chồng một bài học.

Trong cuốn tiểu thuyết "Hạn chót lúc bình minh", Bricky là nhân vật nữ đại diện cho vẻ đẹp thông minh. Một cô gái vừa mạnh mẽ kiên cường, vừa dịu dàng, nữ tính và tràn đầy khao khát tình yêu.

Bricky hai mươi hai tuổi. Cô đến New York, nung nấu ước mơ trình diễn trên sân khấu Broadway xa hoa tráng lệ. Nhưng dòng đời đưa đẩy, nó cuốn cô vào những vòng xoay bất tận ở vũ trường, nó dập tắt, phá vỡ khát khao cháy bỏng trong cô. Thế nhưng chính cô gái ấy lại là người kiên cường hơn bao giờ hết. Đối mặt với vụ án không manh mối, đối mặt với sự truy đuổi, cô không đầu hàng, không bỏ cuộc. Cô nhanh trí phán đoán, và có những lập luận thông minh.

Tận sâu trong cô vẫn còn tình yêu thương và sự tử tế, dù chỉ là "một cơn tử tế bốc đồng" mà thành phố còn bỏ sót lại. Cô quan tâm, ngỏ ý giúp đỡ khi thấy Quinn lâm vào rắc rối. Cô sẵn sàng chia sẻ, mở lòng mình khi biết Quinn mong muốn một người nói chuyện cùng. Cùng anh chạy khắp thành phố để tìm ra kẻ giết người thật sự.

Với tất cả những gì đẹp đẽ toát ra từ con người mình, Bricky xứng đáng ngồi đây, trên chuyến xe bus trở về nhà này, gục đầu trên vai Quinn và lắc lư nhè nhẹ. Ánh sáng đầu ngày ngập tràn vai cô, và bừng lên, lấp lánh.

Các tác phẩm của Cornell Woolrich là chất liệu của thể loại phim noir thống trị Hollywood những năm 1940.

Truyện trinh thám của Cornell Woolrich được dựng nên bởi nỗi ám ảnh về sắc màu đen. Với cách kể và dẫn dắt đầy lôi cuốn, mỗi tác phẩm của ông không hẳn là cuộc kiếm tìm chân dung kẻ sát nhân mà còn đưa lên sân khấu những nghịch lý về sự thật bị che giấu và những bất ngờ không đoán trước.

Cornell Woolrich cũng là tác giả trinh thám có số lượng truyện chuyển thể thành phim nhiều nhất thế giới. Trên trang IMDB có tới 103 bộ phim được ghi tên ông. Những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Woolrich thường trở thành đề tài nghiên cứu sáng giá liên quan đến “kỷ nguyên của thể loại phim noir”.