Ăn trước, trả sau

(ANTĐ) - Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 của Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa mới công bố, không còn là hồi chuông cảnh báo, mà là “hồi trống” cấp báo về tốc độ suy thoái môi trường ở nước ta. Việt Nam được xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về suy giảm loài thú quý hiếm; nhóm 20 nước đứng đầu về suy giảm loài chim. Đặc biệt, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp tống thẳng ra môi trường không hề xử lý. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam phải trả giá tổn thất do ô nhiễm môi trường tới 5,5% GDP mỗi năm.

Những con số này chỉ là cụ thể hóa thực trạng môi trường mà lâu nay dư luận và công luận thường lên tiếng... báo động chung chung. Ở các nước đang phát triển và còn nghèo như nước ta, tăng trưởng kinh tế phải song hành với những nhu cầu của người dân. Một gia đình lo miếng cơm manh áo hàng ngày chưa xong sẽ chẳng còn thời gian đâu mà mơ ước về thế giới xanh, đa dạng sinh học hay bảo vệ động vật quý, hiếm. Các chuyên gia môi trường thế giới chỉ rõ cách thức mà các nước đang phát triển xoay xở trong vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước muốn vượt qua ngưỡng chuẩn nghèo.

Vũ khí của họ ví von bằng cụm từ “phá giá môi trường”. Có nghĩa là, thay vì tạo ra rào cản, xu hướng định giá các tiêu chuẩn môi trường thấp hơn bình thường được xem là một lợi thế. Đơn cử như việc đánh thuế môi trường cao sẽ làm nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam một cách dè dặt hoặc sự ràng buộc chuẩn mực bảo vệ môi trường sẽ làm tăng giá thành phẩm, khiến mặt hàng khó cạnh tranh trên thương trường. Đánh đổi cho “cơm áo gạo tiền”, vì vậy trở thành mục tiêu của số đông. Làm giàu trước, rồi làm “môi trường” sau theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” đã trở thành “tôn chỉ” hành động. Phí tổn từ việc sử dụng môi sinh làm nền tảng cạnh tranh khiến nước ta đang phải trả giá đắt hơn rất nhiều.

Ví dụ Hà Nội vừa đưa ra con số dự tính kinh phí 286 tỷ đồng cải tạo 13km bờ sông Tô Lịch và 7km bờ sông Kim Ngưu. Còn Đà Nẵng đề ra kế hoạch giải cứu môi trường sông Phú Lộc và đang thực thi với tổng vốn đầu tư 110,2 tỷ đồng và 301.500USD. Những “hóa đơn đỏ” tiền tỷ này chắc chắn sẽ còn tiếp tục chồng lên cao ở những tỉnh, thành nơi đang gia tăng làn sóng đô thị hóa và công nghiệp hóa. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam phải trả giá cho ô nhiễm môi trường khoảng 5,5% GDP hàng năm. Song những chi phí gián tiếp ảnh hưởng đến con người thì không tính hết được.

Trước mắt, cả xã hội và cộng đồng đang phải trả giá, nhưng hậu quả còn kéo dài, bởi những phí tổn này sớm hay muộn cũng phải được thanh toán sòng phẳng. Càng để lâu, ô nhiễm môi trường như không khí, nguồn nước, đất đai càng ngấm sâu và thấm lâu. Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, việc bằng lòng hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế không phải là cách làm có tính toán, suy nghĩ thận trọng, nếu không muốn nói là “nhắm mắt, làm liều”. Bởi vì phí môi trường ngày càng đắt đỏ và nhiều hậu quả mà nó để lại dù có đổ “tiền tấn” ra cũng không thể cứu vãn nổi. Chẳng hạn một số “làng ung thư”, những khu dân cư đang “chung sống” với ô nhiễm bên cạnh khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất... làm sao “mua” lại được sức khỏe, tính mạng, nhất là những thế hệ... nối dõi.

Nước ta đã và đang nhìn thấy, nhận ra “học phí” môi trường ở một vài vụ việc cụ thể trong thời gian qua. Các chủ trương, chính sách đã được điều chỉnh với mục tiêu tối hậu: tăng trưởng kinh tế bền vững đồng nghĩa với môi trường bền vững. “Ăn trước trả sau”, nhưng “ăn” môi trường theo kiểu “ăn sống, nuốt tươi” thì đời sau có muốn trả cũng không còn gì mà trả.