Án treo khác với cải tạo không giam giữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Bạn đọc hỏi: Xin hỏi luật sư, án treo và cải tạo không giam giữ là như thế nào? Muốn được hưởng án treo hay cải tạo không giam giữ, người phạm tội phải đáp ứng những điều kiện gì? Hoàng Vĩnh Nguyên (Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Án treo là một hình thức phạt tù có điều kiện, tức là người phạm tội bị tuyên phạt tù giam nhưng do họ đáp ứng một số điều kiện nhất định nên họ không bị giam cứu mà được cải tạo ngoài xã hội. Nếu vi phạm điều kiện trong thời gian thử thách, người phạm tội sẽ bị giam cứu lại từ đầu. Ví dụ: Người phạm tội bị tuyên 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và 24 tháng thử thách. Đến tháng thứ 23 họ vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo. Khi đó họ có thể sẽ bị giam cứu 12 tháng.

Còn cải tạo không giam giữ là một hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội đáp ứng một số điều kiện và khi họ đáp ứng các điều kiện đó thì Tòa án không phạt tù họ. Người phạm tội không bị áp dụng thời gian thử thách như án treo. Như vậy, cải tạo không giam giữ là loại hình phạt nhẹ hơn án treo.

Về điều kiện để được hưởng án treo, theo Điều 65, Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, người có thể được hưởng án treo là người: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt (Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc); Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Được Tòa án xét thấy họ có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Về điều kiện để được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ, theo Điều 36, Bộ luật Hình sự, người có thể được hưởng loại hình phạt này là người: Phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; Có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng; Được Tòa án xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội.

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, người được hưởng án treo trong thời gian chấp hành hình phạt có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án; Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc một số đơn vị khác; Phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình hàng tháng.

Còn người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ trên thì họ còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.