An toàn tiêm chủng: Xảy ra hậu quả rồi mới đi tìm nguyên nhân

ANTĐ - Vụ việc 4 em bé sơ sinh tại Hướng Hóa, Quảng Trị và Bình Thuận bị tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B là vấn đề được dư luận dồn sự chú ý quan tâm theo dõi trong suốt tuần qua. Vụ việc này đã trở thành giọt nước tràn ly khiến dư luận vô cùng hoang mang và phẫn nộ. vaccine nào cũng có những rủi ro nhưng có quá nhiều vấn đề, quá nhiều khe hở trong việc sử dụng, bảo quản vaccine mà không thể làm ngơ.

Liên tiếp những vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến vaccine như vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị tạm ngừng lưu hành do nghi ngờ gây ra các phản ứng nặng sau tiêm nhưng vẫn được sử dụng  lại; “ăn bớt” vaccine dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, sử dụng vaccine hết “date” ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và nhất là mới đây vụ 4 cháu nhỏ tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B đã nâng người tử vong sau khi tiêm vaccine trong 2 năm qua lên con số 20. 

Người nhà đau xót trước cái chết của cháu bé sơ sinh
       (Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tại sao lại dùng vaccine thế hệ cũ?

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo sử dụng vaccine chất lượng, an toàn và hiệu quả diễn ra tại Hà Nội ngày 24-7 cho thấy một số vaccine Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ cũ như vaccine ho gà toàn tế bào, vaccine viêm não Nhật Bản từ não chuột, vaccine bại liệt đường uống… Như vaccine Quinvaxem ngay nước sản xuất ra là Hàn Quốc cũng không dùng loại vaccine này. Họ chỉ bán cho các nước khác, còn tại nước của mình, người dân sử dụng vaccine vô bào. Tháng 5-2013, Bộ Y tế tuyên bố ngưng sử dụng vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng sau khi có 5 trẻ tử vong. Tuy nhiên chỉ hơn 1 tháng sau, Bộ quyết định cho dùng lại. Lý do là kết quả kiểm nghiệm vẫn an toàn. Một chuyên gia y tế cho rằng kết quả an toàn đó là do áp dụng tiêu chuẩn của thế hệ cũ. 

Như vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lại vẫn sử dụng vaccine cũ cho trẻ trong khi thế giới đã có những loại vaccine an toàn hơn? Tiêm chủng vaccine là chương trình phòng bệnh quốc gia, song vaccine cũng có nguy cơ rất cao gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Không thể vì lý do không có kinh phí, đất nước còn nghèo mà để những trẻ vô tội phải trả giá bằng chính tính mạng của mình. 

Bằng chứng là cho đến thời điểm này, trẻ em Việt Nam vẫn phải sử dụng những loại vaccine giá rẻ và nhiều nguy cơ tai biến trong đó Quinvaxem chỉ là một ví dụ. Vì vậy ngân sách của Nhà nước cần ưu tiên cho việc bảo vệ sức khỏe của trẻ em lên hàng đầu. Còn nếu như ngân sách Nhà nước không thể chi trả cho việc này thì có thể huy động từ người dân. Người dân sẵn sàng bỏ tiền ra để cho con mình được tiêm vaccine tốt hơn chứ không phải là miễn phí với vaccine có nhiều nguy cơ tai biến. Những người làm trong ngành y tế phải hiểu hơn ai hết điều này. Rất có thể vì dùng vaccine rẻ tiền mà đã tước đi mạng sống của những đứa trẻ được quyền sống.

Điều đáng nói là sau những cái chết đau lòng vì vaccine, cơ quan chức năng mới lại lục tục vào cuộc điều tra. Điều tra vụ việc này này chưa xong đã lại xảy ra vụ khác. Vậy tại sao chúng ta không ngăn chặn ngay từ đầu, nhìn nhận thẳng thắn vấn đề mà cứ để lúc xảy ra hậu quả rồi mới đi tìm nguyên nhân. 

Bảo quản vaccine - không phải chuyện đùa

Liên quan đến việc 3 cháu bé sơ sinh tại bệnh viện huyện Hướng Hóa, Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B gây xôn xao dư luận trong suốt tuần vừa qua. Sau khi các cháu tử vong, Bộ Y tế mới lại vào cuộc và lúc đó mới hé lộ ra một chi tiết trong việc bảo quản vaccine rằng: có thể do sự cố mất điện. Vì vào 5h sáng ngày 20-7, toàn bộ thị trấn Khe Sanh mất điện trong đó có Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Tính từ thời điểm mất điện đến lúc tiêm cho các bé là 2 giờ 30 phút. 

Theo quy định về bảo quản vaccine trong dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tất cả vaccine đều bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Có một số vaccine nhạy cảm với nhiệt độ cao hơn các vaccine khác như vaccine bại liệt, sởi. Một số vaccine khác lại bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ quá lạnh (đóng băng) và có thể làm mất hiệu lực như vaccine Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT), vaccine viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo bảo vệ vaccine trong quá trình vận chuyển và trong tủ lạnh ở nhiệt độ +2 đến +8 độ C. Mỗi lần tiếp xúc với nhiệt độ cao thì hiệu lực của vaccine bị giảm dần. Nếu dây chuyền lạnh không được duy trì tốt thì hiệu lực của vaccine sẽ giảm hoàn toàn và không còn giá trị. 

Điều này cũng đặt ra một vấn đề hết sức đáng lo ngại. Chuyện mất điện là việc xảy ra thường xuyên ở mọi địa phương trên toàn quốc. Thời gian có thể từ 1 giờ đến vài ngày. Vậy việc bảo quản vaccine tại những nơi này sẽ như thế nào nếu không có máy phát điện? Hay là đành nhắm mắt cho qua vì cũng không thể làm khác được. Hoặc cũng chỉ cần nhân viên bảo quản vaccine tắc trách không chuyển vaccine tới phích bảo quản lạnh đủ điều kiện khi mất điện. Hoặc trong quá trình vận chuyển tới các cơ sở y tế, không có ai dám chắc vaccine được bảo quản theo đúng quy trình. Nhất là việc bảo quản này đều phụ thuộc vào trách nhiệm của con người.

Thêm nữa, tại Hà Nội và nhiều địa phương hiện nay vẫn tồn tại chuyện nhân viên y tế phường xã mang vaccine đến tận nhà tiêm cho trẻ. Nhiều bà mẹ thích dịch vụ này vì con còn bé, không phải ra ngoài nắng gió, không phải chờ đợi ở phòng tiêm chủng ngột ngạt. Nhân viên y tế thích vì có thêm chi phí dịch vụ. Tuy nhiên theo quy định, vaccine rất dễ bị hỏng, biến chất do ảnh hưởng tác động của nhiệt độ, ánh sáng. Khi vaccine bị hỏng bởi nhiệt độ cao thì vaccine sẽ không còn tác dụng. Bên cạnh đó là nguồn gốc vaccine không ai có thể biết được lấy từ đâu. Sau vụ tiêm thiếu vaccine tại Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh bị phát giác, nhiều người đặt nghi vấn về việc số vaccine thừa có thể sẽ được dồn để tiêm cho những trẻ có nhu cầu tiêm ở nhà vì loại hình này không có giấy tờ, hóa đơn gì để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của vaccine. Hiện nay các điểm tiêm chủng không bán vaccine cho người dân mà bắt buộc họ phải mang trẻ đến tận nơi để tiêm. Thêm vào đó là việc an toàn sau tiêm. Hiện nay dù người đi tiêm chủng tại nhà đều mang theo thuốc chống sốc song việc này không có nhiều ý nghĩa trong trường hợp xảy ra tai biến nặng. 

An toàn tiêm chủng: Xảy ra hậu quả rồi mới đi tìm nguyên nhân ảnh 2
Ảnh minh họa

Tiêm văc xin hết date = thuốc độc

Chỉ cách đây 2 tháng, vào ngày 20-5, ông Phan Văn Ngọc (Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm vaccine ngừa quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa. Sau khi tiêm, ông nhặt vỏ lọ từ sọt rác, phát hiện sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Nhà chức trách tỉnh Phú Yên đã xác định ngoài con trai ông Ngọc bị nhân viên y tế tiêm vaccine hết hạn sử dụng, còn có 47 em bé khác đã tiêm loại này. Một con số không thế chấp nhận được và hành động đó cũng không thể chấp nhận được đối với nhân viên y tế.

GS. TS Nguyễn Thu Nhạn - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cũng cho rằng: Vaccine hết hạn được tiêm vào người chẳng khác gì liều thuốc độc. Vì khi hết hạn sử dụng, một số thành phần trong vaccine có thể biến chất gây hại cho cơ thể. Nhân viên tiêm chủng là người hiểu hơn ai hết tác dụng, tác hại của vaccine mà vẫn thản nhiên tiêm những liều thuốc độc ấy vào cơ thể của trẻ thì đúng là không còn nhân tính. 

Phớt lờ quy định

Theo quy định của Bộ Y tế về sử dụng vaccine, trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế phải tư vấn cho gia đình, người được tiêm những tác dụng, lợi ích và cả rủi ro gặp phải khi tiêm chủng. Bên cạnh đó là kiểm tra nhiệt độ, hỏi tiểu sử, kiểm tra vaccine… trước khi tiêm, khám sàng lọc sức khỏe của người được tiêm. Tuy nhiên tại các phòng tiêm chủng, những quy định này dường như bị bỏ qua. Người dân chỉ đóng tiền và ngồi đợi đến lượt nhân viên y tế gọi tên vào tiêm. Nếu đến 70 Nguyễn Chí Thanh thì sẽ thấy rõ điều đó, do quá đông và lúc nào cũng trong tình trạng gấp gáp, mỗi người chỉ được 5-10 giây đã tiêm xong nên người dân cũng không thể kiểm tra xem nhân viên y tế tiêm gì cho con mình. Lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào y đức của những người làm y tế. 

Bên cạnh đó, theo quy định, phải ở lại theo dõi 30 phút sau tiêm nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều không tuân thủ. Nhân viên y tế cũng chẳng có thời gian để nhắc nhở vì đã có thông báo dán trên tường. Theo các chuyên gia, trẻ sẽ bị sốc, phản ứng mạnh nhất ở thời điểm sớm là 30 phút sau tiêm. Chính vì vậy, trong thời điểm này, trẻ phải có mặt ở cơ sở y tế để có thể xử lý sớm, kịp thời nhất nếu không may xảy ra tai biến.

Đấy là chưa nói đến các cơ sở tiêm chủng tại các xã phường, khu dân cư, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thì việc trang bị các phương tiện y tế để bảo quản vaccine và các phương tiện chống sốc để đề phòng tai biến và đảm bảo an toàn cho người tiêm theo điều kiện tối thiểu mà Bộ Y tế quy định đối với các cơ sở tiêm chủng gần như đều không đủ điều kiện. Hơn thế nữa việc các nhân viên y tế cảnh báo và khuyến cáo, tư vấn cho các bà mẹ trước khi tiêm vẫn là câu chuyện xa vời. Việc thường diễn ra tại các cơ sở tiêm chủng là xếp hàng nộp sổ đăng ký và tiêm, hiếm có chuyện khám sàng lọc hoặc tư vấn trước khi tiêm.

TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế cho biết: Trước khi tiêm phải thực hiện đầy đủ các bước khám sàng lọc như cân nặng, sức khỏe, có cơ địa dị ứng hay không, kỹ thuật tiêm, chỉ định tiêm. Song chúng ta thường bỏ qua. Vì vậy rất khó tìm nguyên nhân phần lớn vụ phản ứng sau tiêm vaccine. Nếu kiểm tra đầy đủ thì có thể tìm hiểu được nguyên nhân. 

Những bê bối trong việc tiêm vaccine gây ra những cái chết đau lòng cho trẻ em xảy ra liên tiếp thời gian gần đây khi người dân còn chưa nguôi ngoai sự phẫn nộ với việc điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vì sự bực dọc khi người nhà không lót tiền tắm cho bé đã làm rơi 5 trẻ sơ sinh xuống sàn nhà càng làm người dân hoang mang, mất niềm tin vào sự tắc trách của nhân viên ngành y tế nói chung và việc tiêm chủng nói riêng. Vaccine thế hệ cũ, vaccine quá hạn sử dụng, ăn bớt vaccine, mang vaccine đến nhà tiêm… Mà lỗi trong những chuyện này là có sự tắc trách của các nhân viên ngành y tế. Việc trang bị các phương tiện cần thiết cho cơ sở tiêm chủng và đạo tạo về mặt chuyên môn cho các nhân viên y tế, đồng thời quy định rõ chế tài đối với các trường hợp vi phạm là hết sức cần thiết. Nếu để người dân quá hoang mang vào việc tiêm chủng thì coi như mục tiêu phòng bệnh quốc gia sẽ không còn giá trị. 

Kết quả kiểm tra đánh giá gần 100 điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013 cho thấy một số sai sót. Trong đó chủ yếu là bố trí các điểm tiêm chưa hợp lý (gần 28%), kỹ năng thực hiện mũi tiêm chuẩn chưa đạt (hơn 37%), tư vấn sau tiêm chủng chưa đầy đủ (gần 29%), dây chuyền lạnh bảo quản văcxin như thiếu phích văcxin, thiếu bình tích lạnh, nhiệt kế, tủ lạnh hỏng chưa sửa chữa kịp thời (gần 27%)… 5% điểm khám phân loại chưa đầy đủ, một trường hợp chỉ định tiêm sai.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết: Trẻ em sơ sinh rất khó để đánh giá sức khỏe các bé, có rất nhiều bé tiền sử sơ sinh khỏe mạnh, mẹ khỏe mạnh, sau đẻ 6-7 giờ vẫn khỏe nhưng ngay lập tức đã có thể diễn biến bệnh. Vì vậy nếu chúng ta tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì phải có được quy trình tốt. Dứt khoát phải có khám cho trẻ sơ sinh. Nơi nào có khám sàng lọc tốt cho trẻ sơ sinh mới tiêm cho trẻ. Nếu không phát hiện để loại trừ, tiêm vaccine làm tăng rủi ro cho trẻ do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có.


Kết quả kiểm tra đánh giá gần 100 điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013 cho thấy một số sai sót. Trong đó chủ yếu là bố trí các điểm tiêm chưa hợp lý (gần 28%), kỹ năng thực hiện mũi tiêm chuẩn chưa đạt (hơn 37%), tư vấn sau tiêm chủng chưa đầy đủ (gần 29%), dây chuyền lạnh bảo quản văcxin như thiếu phích văcxin, thiếu bình tích lạnh, nhiệt kế, tủ lạnh hỏng chưa sửa chữa kịp thời (gần 27%)… 5% điểm khám phân loại chưa đầy đủ, một trường hợp chỉ định tiêm sai.


Kết quả kiểm tra đánh giá gần 100 điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013 cho thấy một số sai sót. Trong đó chủ yếu là bố trí các điểm tiêm chưa hợp lý (gần 28%), kỹ năng thực hiện mũi tiêm chuẩn chưa đạt (hơn 37%), tư vấn sau tiêm chủng chưa đầy đủ (gần 29%), dây chuyền lạnh bảo quản văcxin như thiếu phích văcxin, thiếu bình tích lạnh, nhiệt kế, tủ lạnh hỏng chưa sửa chữa kịp thời (gần 27%)… 5% điểm khám phân loại chưa đầy đủ, một trường hợp chỉ định tiêm sai.