An toàn thực phẩm: Chủ tịch phường phải trực tiếp kiểm tra

ANTĐ - Để đảm bảo hiệu quả cao nhất khi triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận/huyện, xã/phường (dự kiến từ 1-1-2016 tới đây), ngày 10-12, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu 10 Chủ tịch UBND của 10 xã, phường thí điểm mô hình này phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP tối thiểu 1 lần/tuần.
An toàn thực phẩm: Chủ tịch phường phải trực tiếp kiểm tra  ảnh 1

Một đoàn kiểm tra ATTP của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thức ăn đường phố 

Kiểm tra tập trung, tránh dài trải

Ngày 10-12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP, 11 tháng qua, thành phố đã xử lý hành chính 10.041 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (chiếm 8% số cơ sở được kiểm tra); phạt tiền 3.705 cơ sở với tổng số tiền hơn 20,1 tỷ đồng; tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP. Hà Nội cũng lấy 2.001 mẫu thực phẩm, phát hiện 80/1.241 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý, 82/482 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh … 

Hiện tại, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị những khâu cuối cùng để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường tại 10 xã/phường/thị trấn thuộc 5 quận/huyện (phường Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình); Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa); Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); xã Kim Chung, Uy Nỗ (huyện Đông Anh); thị trấn Thường Tín, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín). Cuối tháng 11 vừa qua, Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng liên quan. Việc triển khai thí điểm mô hình nói trên được kỳ vọng sẽ đem lại đột phá mới trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Tại cuộc họp ngày 10-2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, đến 25-12, các địa bàn được chọn thí điểm phải chốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATTP năm 2016. Dự kiến, từ 1-1-2016, lực lượng thanh tra chuyên ngành sẽ đi vào hoạt động. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra ATTP của lực lượng thanh tra chuyên ngành không được dàn trải mà nên tập trung vào các nhóm thực phẩm chính như: rau an toàn, thịt sạch, cơ sở giết mổ, chế biến, thức ăn đường phố, thức ăn chăn nuôi...

Do đây là lần đầu tiên triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tới cấp quận/huyện, xã/phường nên Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu lực lượng này phải đi kiểm tra tối thiểu 3 lần/tuần. Đặc biệt, 10 Chủ tịch UBND của 10 xã/phường/thị trấn được chọn thí điểm phải trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra ATTP tối thiểu 1 lần/tuần.

Không được lạm quyền

Theo Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường tại Hà Nội và TP.HCM, lực lượng thanh tra được giao thẩm quyền rất lớn. Ngoài việc có thể kiểm tra bất cứ mặt hàng thực phẩm nào, lực lượng này còn có thể xử phạt tại chỗ tới 500.000 đồng.

Mức phạt tối đa ở cấp xã/phường tối đa lên tới 5 triệu đồng; cấp quận/huyện đến 20 triệu đồng và địa phương được giữ lại 100% tiền xử phạt để phục vụ công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Cũng do được giao quyền lớn như vậy nên có ý kiến lo ngại việc lực lượng này có thể lạm quyền, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế  nhấn mạnh, khi đi thanh tra, kể cả thanh tra độc lập (1 người) cũng phải có quyết định của Chủ tịch UBND quận/huyện, xã/phường, không phải cứ khoác áo và có thẻ thanh tra là được tùy ý xử phạt.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, nếu doanh nghiệp, cá nhân bị thanh tra không đồng ý với kết quả thanh tra, có phản ánh hoặc kiến nghị, thì thanh tra chuyên ngành ATTP cấp thành phố sẽ thanh tra lại và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm của lực lượng chức năng. Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, lực lượng thanh tra sẽ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền để người sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm tốt hơn, sau khi đã phổ biến mà các đối tượng vẫn cố tình vi phạm thì mới xử phạt.

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, ở xã, phường, vấn đề VSATTP nhức nhối nhất là các mặt hàng nông sản. Bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm và lấy mẫu kiểm nghiệm thì điều quan trọng là phải quản lý được theo chuỗi thực phẩm, nghĩa là kiểm soát được thực phẩm từ nguồn gốc, quá trình chế biến đến lưu thông, tiêu thụ.

Đặc biệt, thời điểm cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán, công tác đảm bảo ATTP càng phải tăng cường hơn. Do vậy, bên cạnh hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành nói trên, Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tại các quận/huyện, cơ sở trọng điểm trên địa bàn.