An toàn PCCC khu vực tầng hầm nhà cao tầng

(ANTĐ) - Sau vụ cháy tầng hầm để xe của tòa nhà 17 tầng tại khu A tổ 18, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm,  Hà Nội vấn đề an toàn PCCC tại khu vực hầm để xe của các tòa nhà cao tầng đã được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo ANTĐ tại một số khu chung cư, tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại... trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực trạng an toàn PCCC vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn.

An toàn PCCC khu vực tầng hầm nhà cao tầng

Kỳ 1: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

(ANTĐ) - Sau vụ cháy tầng hầm để xe của tòa nhà 17 tầng tại khu A tổ 18, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm,  Hà Nội vấn đề an toàn PCCC tại khu vực hầm để xe của các tòa nhà cao tầng đã được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo ANTĐ tại một số khu chung cư, tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại... trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực trạng an toàn PCCC vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn.

Chuyển biến trong ý thức

Thực hiện cuộc khảo sát công tác PCCC ít ngày sau sự cố cháy hầm để xe của tòa nhà 17 tầng khu A tổ 18, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội gây thiệt hại hàng tỷ đồng nên cảm nhận chung của chúng tôi về công tác phòng cháy tại các tầng hầm đã được cải thiện đáng kể. ở hầu hết các khu nhà cao tầng như: Khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính, khu chung cư Mỹ Đình - Sông Đà,  khu chung cư cao cấp The Manor, tòa nhà Pacific Place, khu chung cư Mỹ Đình I, khu Làng Quốc tế Thăng Long... đã thực hiện công tác nhắc nhở và tiến hành kiểm tra các trang thiết bị, hệ thống an toàn PCCC. Các nhân viên bảo vệ được nhắc nhở đề cao cảnh giác với “giặc lửa”.

Các lực lượng chức năng tiến hành rà soát các phương tiện gửi trong tầng hầm; nếu các xe ôtô, xe máy cũ không đảm bảo an toàn thì không được gửi tại các tầng hầm và nghiêm cấm sửa chữa xe trong khu vực tầng hầm.

Có thể thấy qua vụ cháy tại tầng hầm để xe xảy ra ngày 2-7 vừa qua ý thức của người dân, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã được nâng lên. Đây là một động thái tích cực nhằm phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ xảy ra. Qua thực tế khảo sát của chúng tôi, bên cạnh những đơn vị, tòa nhà làm tốt vẫn còn những nơi chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Còn đó những nỗi lo!

Nhiều loại hình kinh doanh tại tầng hầm chợ Việt Hưng
Nhiều loại hình kinh doanh tại tầng hầm chợ Việt Hưng

Có mặt tại khu vực tầng hầm nhà B1, Làng Quốc tế Thăng Long, chúng tôi thấy công tác PCCC tại đây chưa thực sự an toàn. Khu vực tầng hầm được liên thông giữa nhà B1 với nhà A3 nên diện tích rộng khoảng 650m2, đây là khu vực chính để xe ôtô và xe máy. Theo thiết kế, hầm để xe này có 2 lối thoát hiểm nhưng trên thực tế hiện lối thoát hiểm duy nhất được sử dụng là lối đi dành cho cả xe lên và xuống hầm. Cầu thang dành cho người đi bộ và để thoát hiểm khi cần thiết đã bị bịt lại với lý do “đảm bảo an toàn cho các tài sản để trong hầm xe”.

Tầng hầm tại khu vực nhà A4 với 16 tầng cũng được dùng để gửi xe. Diện tích hầm khoảng 500m2, thường xuyên có khoảng 200 xe máy và 10 xe ôtô để tại đây. Tuy nhiên, khu vực tầng hầm không được lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, biển báo, bảng hướng dẫn các thao tác, cách sử dụng các bình bọt phòng cháy được đặt ngay lối ra vào nhưng chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy bình bọt để ở đâu. Đặc biệt, có nhiều xe máy được để sát cửa trạm điện... rất nguy hiểm.

Khảo sát tại khu chung cư Mỹ Đình I do Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - Bộ Quốc phòng quản lý chúng tôi được biết khu chung cư này chỉ có hai tòa nhà C3 và C6 có hệ thống PCCC tự động với trang bị hiện đại. Các tầng hầm của các tòa nhà còn lại như C2, C4, C5... chỉ được lắp đặt các phương tiện PCCC thông thường. Với diện tích mặt sàn tầng hầm của các tòa nhà trung bình khoảng 1.200m2 nhưng không có hệ thống báo và chữa cháy tự động. Đây thực sự là  mối lo ngại lớn đối với hàng trăm xe máy và hàng chục chiếc ôtô để trong các tầng hầm này.

Tầng hầm tại một số chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội tình trạng mất an toàn về PCCC cũng diễn ra phổ biến. Khu vực tầng hầm ngoài chức năng để xe còn được tận dụng để kinh doanh. Chợ Việt Hưng, quận Long Biên là một điển hình. Bên cạnh các kiốt với đủ loại hàng hóa thì hai bên hành lang còn được sử dụng để kinh doanh bia hơi, nhà hàng ăn uống...

Việc sử dụng bếp gas, bếp điện... trong tầng hầm sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Tầng hầm của Trung tâm thương mại Thanh Trì cũng trong tình trạng tương tự, ngoài diện tích dùng để xe ôtô phần còn lại được tận dụng để kinh doanh hàng hóa. Mặc dù tại đây cũng có trang bị bình bọt, họng nước vách tường... nhưng việc kinh doanh đa dạng mặt hàng trong một khu vực “nhạy cảm” có nhiều chất cháy, lượng người ra vào đông sẽ tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra cháy nổ, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân và sự an toàn của các tòa nhà.

Xe máy để bên cạnh trạm biến áp tại nhà A4 Làng Quốc tế Thăng Long
Xe máy để bên cạnh trạm biến áp tại nhà A4 Làng Quốc tế Thăng Long

Bên cạnh công tác phòng chống cháy nổ tại các tầng hầm chưa được quan tâm thì công tác tập huấn, diễn tập cho các lực lượng chữa cháy tại cơ sở cũng bị coi nhẹ. Trao đổi với một bảo vệ tại Làng Quốc tế Thăng Long, anh cho biết đã làm việc tại đây từ năm 2003 nhưng mới chỉ tham gia diễn tập PCCC 1 lần vào năm 2006. Công tác tập huấn PCCC cho bảo vệ trước khi vào làm việc tại khu nhà cao tầng là yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên có một thực tế là mỗi năm đơn vị chỉ có một đợt diễn tập PCCC, đối với những nhân viên bảo vệ vào làm việc sau khi diễn tập thì phải đợi 1 năm sau mới có cơ hội để thực hiện tập huấn PCCC. Tại khu chung cư Mỹ Đình I các nhân viên bảo vệ cũng không chắc các thiết bị chuông báo cháy có kêu khi bấm không và các họng nước khi mở là có nước hay phải chờ bật máy bơm mới có nước vì họ chưa được hướng dẫn cụ thể. Đó là chưa kể đến hệ thống chuông báo cháy được lắp đặt nhưng bị “vô hiệu hóa” vì “điếc tai”...

Với những gì chúng tôi ghi nhận được, không biết khi xảy ra sự cố cháy nổ các lực lượng tại chỗ sẽ phản ứng ra sao?

Đăng Khoa - Thành Động

Kỳ 2: Phòng ngừa để tự cứu mình