An toàn giả tạo

ANTĐ - Sau Thế chiến thứ 2, không quân Hoàng gia Anh đã thống kê lại nguyên nhân và địa điểm những vụ mất tích máy bay chiến đấu cũng như phi công hy sinh. Kết quả khiến nhiều người giật mình kinh ngạc: thứ cướp đi sinh mạng của các phi công nhiều nhất không phải là hỏa lực địch, cũng không phải thiên nhiên khắc nghiệt, mà là những sai sót trong thao tác của chính phi công. Điều làm người ta không hiểu nổi là, thời gian xảy ra sự cố không phải lúc chiến đấu, cũng không phải khi rút lui khẩn cấp, mà chính là mấy phút hạ cánh khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Các chuyên gia tâm lý trái lại tỏ ra không mấy ngạc nhiên về kết quả này, thậm chí khẳng định đó là một hiện tượng tâm lý điển hình. Khi sự căng thẳng cao độ qua đi, những nguy cơ bên ngoài không còn nữa, tâm lý con người thường hình thành một “khuynh hướng thả lỏng gần như không thể kiềm chế”. Phi công lái máy bay chiến đấu khi đang đối mặt với kẻ thù, dù hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, song não họ lại cực kỳ tinh nhạy, nên không dễ bị hạ gục. Khi nhiệm vụ hoàn thành, tinh thần của họ bắt đầu buông lỏng, nhất là lúc đã nhìn thấy đường băng quen thuộc, cảm giác an toàn - song là sự an toàn giả tạo - trỗi dậy, đó là nguyên nhân khiến họ phạm sai lầm.

Trong đời người cũng xuất hiện nhiều lần cảm giác “an toàn giả tạo” đáng sợ như vậy, nó khiến ta thất bại không phải trong lúc khó khăn nhất mà chính khi ta tưởng như đã thắng.