An toàn đang bị xem nhẹ trên các đại công trường

ANTĐ - Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục công trình lớn đang thi công trong bối cảnh vừa thi công vừa đảm bảo cho phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, không ít đơn vị thi công đã phớt lờ cảnh báo, đảm bảo an toàn lao động dù đã được nhắc nhở, thậm chí đình chỉ thi công.

An toàn đang bị xem nhẹ trên các đại công trường ảnh 1Thanh dầm thép nặng 140 tấn sau khi bị xô nghiêng đã được cẩu lên trụ

Dầm thép nặng răm tấn xô nghiêng xuống đường

Rạng sáng 11-3, tại công trường thi công tiểu dự án cầu vượt thép Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám, một thanh dầm thép nặng 140 tấn, dài 60m, rộng 5,5m đã bị xoay, rơi chạm xuống mặt đường Trần Duy Hưng trong lúc cẩu lên trụ.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT-chủ đầu tư) cho biết, tiểu dự án cầu vượt nút giao Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám thuộc dự án nút giao Trung Hòa. Đơn vị thi công là Liên danh Hanshin - Cienco 4.

Cụ thể, từ 23h đêm 10-3, đơn vị thi công bắt đầu vận chuyển và lắp dựng nhịp dầm thép từ trụ P2 - trụ P3 theo hồ sơ biện pháp đã được Tư vấn giám sát phê duyệt. Khoảng 0h30 sáng 11-3, dầm được vận chuyển ra công trường bằng xe chuyên dụng và đưa vào vị trí hạ tạm để chuẩn bị đưa vào cẩu lắp.

Trong quá trình hạ tạm xuống đường, do xe chở dầm đứng ở vị trí khó khăn ngay sát bó vỉa hè đường, gây mất cân bằng mâm quay xe chở dầm khiến dầm bị nghiêng xuống đất. Ngay sau đó, nhà thầu đã dùng cẩu đưa dầm về vị trí cân bằng và cẩu lắp dầm lên trụ. Quá trình lắp dầm hoàn thiện vào lúc 3h sáng cùng ngày.

“Theo đánh giá tại hiện trường, mặc dù dầm bị nghiêng xuống mặt đường nhưng do đã được neo giữ an toàn nên không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kích thước dọc của dầm thép”, ông Phạm Thanh Bình thông tin. 

Mặc dù thanh dầm thép nặng hơn 100 tấn chỉ bị xô nghiêng, chạm xuống mặt đường nhưng cũng khiến mặt đường bê tông nhựa bị bong vỡ. Rất may, việc lắp cẩu dầm thép được tiến hành vào nửa đêm nên không gây thiệt hại về người cũng như ảnh hưởng đến giao thông.

Tuyến đường Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám… là các tuyến đường có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, đặc biệt vào giờ tan tầm. Do vậy, việc thi công của các dự án nếu không đảm bảo, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn.

Ông Phạm Thanh Bình cho biết, tiểu dự án cầu vượt thép Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 4-2016.

“Ngay từ khi thi công dự án hầm chui Trung Hòa, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu thi công phải ký cam kết đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình thi công. Nếu để xảy ra sơ suất hoặc qua kiểm tra phát hiện có sai sót trong thi công sẽ đình chỉ dự án để khắc phục” - ông Phạm Thanh Bình cho biết.

Tuy nhiên, kể từ khi thi công dự án hầm chui Trung Hòa đến tiểu dự án cầu vượt thép Nguyễn Chánh, chủ đầu tư là Ban QLDA Thăng Long chưa phát hiện sai sót cũng như đình chỉ thi công của nhà thầu nào.

Liên tiếp mất an toàn 

Mới đây nhất, chiều 10-3, Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) đã có văn bản hỏa tốc gửi Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 - Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông) yêu cầu giải trình những vi phạm và hướng khắc phục vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại dự án này.

Ông Lê Kim Thành - đại diện chủ đầu tư dự án yêu cầu, Tổng thầu, tư vấn giám sát và Công ty CP Nhà X4 có báo cáo giải trình các vấn đề tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn, sử dụng lao động tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

“Tổng thầu, tư vấn giám sát phải khẩn trương kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay các tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn và sử dụng lao động của các nhà thầu phụ thi công trên toàn công trường dự án; đưa ra khỏi công trường các trường hợp vi phạm quy định gây mất ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đồng thời có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt công tác quản lý chất lượng công trình”, công văn yêu cầu.

Các báo cáo Tổng thầu phải gửi về Ban QLDA Đường sắt trước 15-3-2016 để báo cáo Bộ GTVT và thông tin để người dân được biết. 

Theo ông Lê Kim Thành, việc chấp hành các quy định về an toàn lao động của các đơn vị thi công dự án, Ban QLDA Đường sắt luôn coi là công tác đặc biệt quan trọng, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra.

“Ban QLDA Đường sắt cam kết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) để đảm bảo an toàn lao động, ATGT trên công trường theo đúng quy định” - lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt khẳng định.

Đây không phải lần đầu tiên, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bị nhắc nhở trong vấn đề mất an toàn thi công. Dự án này đã từng bị Bộ GTVT đình chỉ thi công kéo dài vì gây mất an toàn cho người đi đường.