Ăn thịt lợn tự nuôi vẫn mắc liên cầu khuẩn

ANTĐ - Trong số các dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp trong thời tiết đông xuân, liên cầu khuẩn  là mối lo thường trực nhất ở thời điểm này. TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cảnh báo, số mắc và tử vong do liên cầu khuẩn thường tăng mạnh vào cuối năm do đây là mùa cưới, mùa lễ Tết, nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao.

Tháng nào cũng có ca tử vong

Cách đây gần 2 tuần, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương tiếp nhận cùng lúc một nhóm người ở xã Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) vào điều trị, trong đó có 2 thanh niên được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn. Hai trường hợp này sau đó diễn biến nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử, nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận, chảy máu dạ dày. Rất may sau khi được điều trị tích cực, đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu… đến nay cả 2 bệnh nhân đã hồi phục. 

Ngày 1-12, chia sẻ thông tin với báo chí về diễn biến dịch bệnh mùa đông xuân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc cho biết, liên cầu khuẩn lợn luôn là mối lo thường trực nhất tỷ lệ tử vong rất cao. Một lý do khác khiến số mắc, tử vong do liên cầu khuẩn lợn thường gia tăng mạnh vào dịp cuối năm và đầu năm mới vì đây là mùa cưới, lễ Tết, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn, giết mổ lợn, ăn tiết canh… tăng cao. 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, 3 tháng gần đây, tháng nào cũng có trên 10 ca mắc liên cầu khuẩn lợn phải nhập viện, trong đó có 5 ca tử vong. Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 82 ca mắc mới liên cầu khuẩn lợn, 10 ca tử vong. Riêng Hà Nội ghi nhận khoảng 17 ca mắc, 2 ca tử vong (ở Mỹ Đức và Hà Đông).

TS Trương Đình Bắc phân tích, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn lên tới 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống thì tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và nhiễm từ việc chăn nuôi, giết mổ lợn.

Nhiều người có tâm lý cho rằng lợn nhà nuôi không sợ bệnh, có thể yên tâm ăn tiết canh. Thực tế rất nhiều bệnh nhân ăn tiết canh, thịt lợn do nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh. TS Trương Đình Bắc khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề...

Nhiều bệnh tăng do giao mùa

Bác sĩ Chu Văn Tuyến, Cục Y tế dự phòng cho biết, thời tiết trong giai đoạn giao mùa đông-xuân là điều kiện lý tưởng để hàng loạt bệnh lây nhiễm như dịch cúm, bệnh tay chân miệng, sởi, rubella… “nở rộ”. Hiện tại, cả nước đã ghi nhận khoảng gần 50.000 ca mắc tay chân miệng, 6 ca tử vong và gần 1.000 ca mắc sốt phát ban nghi sởi rải rác tại 39 tỉnh, thành phố. Một bệnh lý khác cần cảnh báo là nguy cơ đột quỵ ở người già, bệnh ở trẻ nhỏ gia tăng trong mùa đông do thời tiết giá lạnh.

TS Trương Đình Bắc nhấn mạnh, ngoài việc phải giữ ấm cơ thể, đảm bảo điều kiện dinh dưỡng thì người dân, nhất là người cao tuổi cần điều chỉnh thói quen dậy sớm, ra ngoài trời tập thể dục quá sớm trong mùa đông. Thực tế khi trời chuyển rét, không ít trường hợp người cao tuổi sau khi đi tập thể dục bất ngờ bị đột quỵ, xuất huyết não, không thể cấp cứu kịp.

“Sau khi thức giấc, các cụ không nên đột ngột ngồi dậy, bước xuống nền nhà ngay vì rất dễ dẫn đến đột quỵ. Trước hết, các cụ phải xoa bóp, làm ấm cơ thể rồi từ từ ra khỏi giường. Trước khi ra ngoài để tập thể dục, người già cũng cần phải vươn thở để làm ấm cơ thể, đặc biệt tránh chỗ gió lùa” - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.