Ẩn số Thị Lang

ANTĐ - Sau khi Trung Quốc lần đầu tiên chính thức thừa nhận đang chế tạo tàu sân bay, báo chí nước này đã đồng loạt lên tiếng trấn an dư luận, giải thích lý do vì sao quốc gia đông dân nhất thế giới đồng thời là cường quốc kinh tế số hai thế giới này phải có tàu sân bay.

Tàu sân bay Thị Lang của Trung Quốc đang được hoàn thiện tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên

Ngày 27-7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức thông báo việc nước này đang tân trang một tàu sân bay mua lại của Ukraine. Theo đó, chiếc tàu sân bay đầu tiên có tên là Shi Lang (Thị Lang) của Trung Quốc được sử dụng vào mục đích “nghiên cứu và huấn luyện”.

Tháng 4 vừa qua, hãng thông tấn Tân Hoa xã cũng đã lần đầu tiên công bố các bức ảnh về chiếc tàu sân bay Thị Lang đang được hoàn thiện tại một xưởng đóng tàu ở Đại Liên, một tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc. Song phải đợi đến ngày 27-7 vừa qua Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới chính thức xác nhận nước này đang chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên.

Thực ra cũng chẳng phải đợi đến khi Trung Quốc chính thức khẳng định thì thế giới mới biết nước này đang chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên. Giới chuyên gia đã thấy trước điều này khi Trung Quốc mua lại chiếc tàu sân bay Varyag của Ukraine năm 1998.

Tuyên bố khi mua chiếc tàu sân bay cũ do Liên Xô trước đây chế tạo với giá “bán sắt vụn” 20 triệu USD, Trung Quốc nói rằng sẽ mang về Macau để “làm sòng bạc nổi”. Thế nhưng, khi về Trung Quốc, chiếc Varyag lại được đưa thẳng tới xưởng đóng tàu ở Đại Liên, nơi đóng tàu chủ yếu cho hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc hiện vẫn chưa công bố các thông số cơ bản của tàu sân bay Thị Lang sau khi được hiện đại hoá từ chiếc Varyag. Tuy nhiên, theo thiết kế ban đầu, Varyag có trọng tải 67.500 tấn, dài 323m, rộng 73m, có thể mang tối đa 36 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-33, 14 trực thăng săn ngầm Ka-27PL, 2 trực thăng tác chiến điện tử...

Các nguồn tin quân sự cho rằng, sau khi được hiện đại hoá, tàu sân bay Thị Lang của Trung Quốc vẫn giữ các thông số cơ bản như Varyag song với các hệ thống động cơ, điều khiển và tác chiến điện tử... hiện đại hơn rất nhiều. Trung Quốc cũng chế tạo loại máy bay chiến đấu đa năng J-11 dựa trên nguyên mẫu Su-33 để trang bị cho Thị Lang.

Dù sao những thông tin trên vẫn chỉ là nhận định, đánh giá của giới chuyên môn chứ chưa được xác nhận hay công bố của Trung Quốc. Vì thế, khu vực và thế giới đang tỏ ra hoài nghi và lo ngại về Trung Quốc lần đầu tiên phát triển tàu sân bay trong bối cảnh nước này đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực quân sự.

Đang có những nguồn tin quân sự cho rằng Trung Quốc đang tự mình thiết kế và đóng mới hai tàu sân bay dựa trên mẫu Varyag. Đó có thể là hai chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử và sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Ngày 29-7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshima

Kitazawa đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc cần minh bạch hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về kế hoạch tàu sân bay. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cũng nhấn mạnh tới việc Trung Quốc cần phải minh bạch trong các ý đồ chiến lược như thông lệ quốc tế.