Ẩn sau biển hiệu chất lượng cao

ANTĐ - Hà Nội hiện có hàng trăm trường mầm non tư thục và hầu hết đều được treo biển “chất lượng cao” (CLC) mà không được sự công nhận của cơ quan chuyên môn nào. Tình trạng này không chỉ khiến các bậc phụ huynh bị “nhiễu” thông tin mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của b ậc học mầm non…

Loạn trường “mầm non chất lượng cao”

Đối với trẻ, việc gần gũi với thiên nhiên tốt hơn là ngồi trong phòng điều hòa

và học ngoại ngữ với người nước ngoài

Khảo sát một số trường mầm non treo biển “chất lượng cao” trên địa bàn quận Ba Đình, quận Tây Hồ, Hà Nội, điều chúng tôi dễ nhận thấy là hầu hết các trường đều có diện tích hạn chế, không có sân chơi, lớp học chỉ rộng từ 15-20m2 nhưng có tới 14-20 trẻ đang theo học. Vốn là nhà ở được thuê lại nên các phòng học khá chật chội, không đủ ánh sáng, hành lang không đảm bảo an toàn, nhà vệ sinh chật hẹp với đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ khá nghèo nàn, diện tích được tận dụng tối đa nên lối đi nhỏ, không đảm bảo quy chuẩn xây dựng tối thiểu của trường học và công tác PCCC. Có lớp học nằm ngay sát đường đi nên luôn trong tình trạng bụi bặm và ồn ã, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Và nếu chiếu theo quy định, phần lớn các trường mầm non tư thục không đạt chuẩn về diện tích/đầu trẻ. Tuy vậy, sự chênh lệch học phí giữa trường treo biển chất lượng cao và trường công lại được xem như lẽ đương nhiên. 

Chị Thảo Anh - phụ huynh học sinh đang gửi con tại một trường mầm non tư thục ở quận Thanh Xuân phàn nàn: “Ngay tại thời điểm cho con nhập học, tôi đã phải đóng 1,2 triệu đồng gọi là tiền xây dựng (dù trường là nhà thuê) không hoàn lại và năm nào cũng phải đóng. Tiếp theo đó, học phí mỗi tháng là 2,5 triệu đồng/cháu nhưng tôi thấy chất lượng dạy và học của trường không xứng đáng được gọi là CLC. Mặc dù lớp học chật chội, các cháu đông, đồ chơi đơn điệu nhưng mỗi lớp chỉ có từ 1-2 cô quản lý, chủ yếu là cho các cháu ăn ngủ, còn công tác dạy dỗ hầu như chẳng có gì. Theo tôi, yếu tố “cao” của các trường này là do mức… học phí”. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Hương Thảo - người có con đang theo học một trường mầm non CLC ở quận Ba Đình than phiền: “Mặc dù theo quảng cáo, trường có điều hòa 2 chiều, camera trong các lớp học, giảng viên nước ngoài dạy tiếng Anh, các con được đi dã ngoại mỗi tháng 2 lần song trên thực tế, trường đã không thực hiện đúng các cam kết này.

Đơn cử như thỏa thuận phòng học có điều hòa, nhưng nhiều hôm trời nóng như lửa tôi đến kiểm tra bất ngờ thì thấy cả lớp học chỉ có một chiếc quạt treo tường đang hoạt động. 2, 3 tháng các cháu mới được đi tham quan một lần và toàn ở những địa điểm đã cũ. Hệ thống camera thì hầu như lúc nào cũng trong tình trạng báo lỗi không xem được. Tuy vậy, mức học phí lại không ngừng tăng cao theo… giá thị trường. Trong khi đó, sĩ số trong lớp cũng tăng dần từ 12 đến 15 rồi 20 cháu... khiến các cháu gần như không còn chỗ để thở”.

Không thể phủ nhận, với ưu điểm mỗi lớp chỉ 10-15 cháu, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc tốt, có các dịch vụ đi kèm như đưa đón trẻ bằng ô tô, trông trẻ muộn, thời gian đầu, những trường mầm non tư thục đã thu hút nhiều phụ huynh, song càng ngày chất lượng của các trường này càng có dấu hiệu đi xuống. Trong khi một số trường mầm non công lập đang thí điểm dịch vụ CLC với mức học phí trên dưới 1 triệu đồng thì ở cùng địa bàn, các trường tư thục thu phí với mức thấp nhất là 2,5 triệu đồng. Điều đáng nói là, hiện ở Hà Nội có hàng trăm trường mầm non treo biển “CLC” song vẫn chưa có sự công nhận nào của cơ quan chuyên môn về vấn đề này. 

Cần quản lý chặt

Bà Vũ Thanh Hà - một giáo viên mầm non đã nghỉ hưu nhận định, so với trường công lập, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của các trường mầm non tư thục không thể sánh bằng. Trường tư thục đa phần là giáo viên trẻ, mới ra trường, trình độ có nhưng kinh nghiệm trông trẻ chưa có. Đã có không ít trường CLC chỉ cao ở học phí.

Một đại diện của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng khái niệm “CLC” có thể coi là sự ngầm hiểu giữa phụ huynh và nhà trường. Để có mô hình trường CLC hoàn chỉnh và để xác định được chính xác thế nào là CLC là điều không đơn giản. Thời gian qua, Hà Nội tạm thời phân định ra 2 dạng mô hình trường học CLC, gồm trường dịch vụ CLC (chủ yếu xem xét ở các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy - học) và trường CLC (có nội dung, phương thức giáo dục và các điều kiện phục vụ tốt, có yêu cầu về năng lực học sinh). Song, tương ứng với mỗi mô hình lại cần có các tiêu chí kiểm định khác nhau. Trên thực tế, tại một số trường tư thục, học sinh phải đóng học phí từ 200 đến 300 USD/tháng nhưng vẫn không được hưởng cơ sở vật chất như trường công lập, các dịch vụ cung ứng chưa bảo đảm. Sự nhập nhèm về tiêu chí trường CLC gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Còn theo Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn, lứa tuổi mầm non, các bé phải được vui chơi, gần gũi với thiên nhiên để phát triển trí óc, trí tưởng tượng. Do vậy, các ông bố, bà mẹ cần cân nhắc trước khi quyết định cho con mình theo học ở đâu bởi một nền giáo dục chất lượng cao không phải là một phòng lát sàn gỗ, máy lạnh với nhiều phương tiện giáo dục hiện đại và giáo viên nước ngoài. Để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” các bậc cha mẹ đừng quá tin vào biển CLC cũng như những dịch vụ “có một không hai” mà các trường xướng lên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, không nên để tình trạng tự phong CLC diễn ra tràn lan, khó kiểm soát và sớm có tiêu chuẩn thống nhất về CLC để các trường và cha mẹ học sinh có căn cứ đánh giá một cách chính xác thay vì việc chọn trường qua biển hiệu.

5 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục mầm non theo Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành: 

Thứ nhất, về tổ chức và quản lý nhà trường, nhà trường phải có không quá 7 điểm trường và được đặt tại trung tâm khu dân cư; có số lượng trẻ và số lượng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định, phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần/năm học với trẻ, ít nhất 1 lần/năm học đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên...

Thứ hai, về cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường phải có thời gian công tác liên tục trong giáo dục mầm non ít nhất là 5 năm đối với hiệu trưởng và 3 năm đối với phó hiệu trưởng, có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên. 100% giáo viên của trường phải đạt trình độ chuẩn, trong đó có ít nhất 30% giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo.

Thứ ba, đối với tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, phòng sinh hoạt chung có thể dùng làm nơi ăn, ngủ cho trẻ phải đảm bảo diện tích trung bình 1,5 - 1,8m2/trẻ, đủ ánh sáng tự nhiên và thoáng. Phòng ngủ cho trẻ đảm bảo diện tích trung bình 1,2 -1,5m2/trẻ, yên tĩnh, thoáng mát.

Thứ tư, về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhà trường cần chủ động phối hợp với cha mẹ trẻ để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Thứ 5, là kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ có sự phát triển về thể chất theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục mầm non, chiều cao, cân nặng, phát triển bình thường theo độ tuổi…