Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở (1)

An ninh, trật tự cơ sở - hạt nhân của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: “Cơ sở mà không bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ cần ở đâu đó một đốm lửa nhỏ thì có thể bùng ra, do đó, việc này là hết sức cần thiết...” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV. Thực tế đã minh chứng, bên cạnh lực lượng công an chính quy thì các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại các địa phương. Chính vì vậy, việc thống nhất quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể đối với lực lượng này nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp khác nhau. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo một hành lang pháp lý mạnh mẽ khuyến khích, động viên tinh thần tự nguyện cống hiến của người dân, để phục vụ công tác giữ gìn an ninh, trật tự cơ sở sẽ củng cố vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc điều động công an chính quy về xã để chủ động giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở đã đạt được hiệu quả

Việc điều động công an chính quy về xã để chủ động giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở đã đạt được hiệu quả

An ninh, trật tự cơ sở đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược về an ninh quốc gia của Đảng và Nhà nước ta. Điều này đã được thể hiện trong Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó đã đề ra yêu cầu điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, nhất là Công an xã, bảo vệ dân phố… đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Cùng với những thành tích trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau khi bố trí, sắp xếp lại 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách) để thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ giảm khoảng 500.000 người trên toàn quốc.

(Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở)

Từ thực tiễn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có thể nói trong việc xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân của Đảng ta hiện nay thì bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở chính là một trong những hạt nhân nòng cốt, quan trọng.

Bởi lẽ, bản chất của nền an ninh nhân dân là sự kết hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của quần chúng nhân dân với sức mạnh của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là Công an nhân dân để chủ động tấn công làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch và đối tượng tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh trật tự.

Đây cũng đồng thời là mục đích của thế trận an ninh nhân dân - một thế trận được xây dựng trên nền an ninh nhân dân vững chắc, mà cốt lõi là phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lấy địa bàn khu dân cư làm cơ sở. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; phối hợp, hướng dẫn các ngành, các địa phương xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các địa bàn, lĩnh vực.

Chủ động nắm tình hình, xây dựng và triển khai nhiều đề án, phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo địa bàn, mục tiêu, tuyến, lĩnh vực, gắn với đối tượng trọng điểm; góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm; bảo vệ Đảng, chính quyền và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, bảo vệ nhân dân, bảo đảm an ninh, an toàn cho mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an nhân dân cũng đã tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách chặt chẽ, hệ thống từ cấp Bộ đến cấp cơ sở.

Quán triệt Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an ký kết nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự, như: Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ, ngày 1-8-2013 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đồng thời, xây dựng các Nghị quyết Liên tịch: với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên”; với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về “Phối hợp xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” và “Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình hiện nay”; với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Giáo dục công nhân viên chức không phạm tội và tệ nạn xã hội”; với Hội Nông dân Việt Nam về “Vận động nông dân tham gia phòng, chống tội phạm”...

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được xây dựng với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến đã được nhân rộng, thu hút ngày càng sâu rộng các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các thế lực thù địch và các loại tội phạm; tham gia giải quyết các “điểm nóng” về an ninh trật tự. Việc huy động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự đã có sự đổi mới, tập trung hơn vào các đối tượng và địa bàn trọng điểm như: công tác vận động người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng ở các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng dân tộc Chăm...

Từ các mô hình và kinh nghiệm của các địa phương làm tốt đã cho thấy sự cần thiết trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới. Điều này không những làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” về an ninh, trật tự, mà còn tạo chất xúc tác giúp củng cố các mô hình tự quản an ninh, trật tự.

Thực tế những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở đã có những đóng tích cực giúp phòng ngừa, góp phần ổn định tình hình, làm giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội; cung cấp hàng chục triệu tin có giá trị, giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả nhiều vụ việc về an ninh, trật tự. Trong thành công này có vai lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với việc xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân nói chung và trong việc phát huy vai trò của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở nói riêng. Tuy nhiên, để lực lượng an ninh, trật tự cơ sở có thể nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, vấn đề cần đặt ra là phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự cơ sở.

“Nhân dân có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Bất cứ khi nào, ở đâu, các lực lượng Công an (An ninh, Tình báo, Cảnh sát...) cũng đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Công an phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, chú trọng xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; huy động và phát huy cho được khả năng to lớn của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Cán bộ, chiến sĩ Công an phải lắng nghe ý kiến của dân, có cơ chế để kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc để thực sự gần dân, làm cho nhân dân ngày càng tin yêu, giúp đỡ lực lượng Công an. Trong công tác, chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kiên quyết chống các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm trước yêu cầu chính đáng của người dân; rèn luyện tác phong, ứng xử có văn hóa với nhân dân. Chủ động, tích cực khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót làm tổn hại đến mối quan hệ giữa nhân dân với Công an. Đổi mới và tăng cường công tác dân vận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Công an với nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân, an ninh nhân dân”, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an. Bác Hồ đã dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Tăng cường quan hệ gắn bó giữa Công an với các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể trong thực thi nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại. Không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, kết hợp với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện được xây dựng gồm 5 Chương, 34 Điều với các quy định cụ thể về: vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm chi ngân sách Nhà nước; bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đảm bảo sự phù hợp với lực lượng dân quân tự vệ khi thực hiện Luật Dân quân tự vệ ở cơ sở.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là: Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tổng kết toàn diện thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành. Tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

“Tôi đánh giá chủ trương chuyển Công an chính quy về xã của Bộ Công an, thời gian qua từ thực tế tại địa phương đã cho thấy hiệu quả rất cao, đồng thời kiến nghị có cơ chế để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa xã hội. Tại địa phương chúng tôi, lực lượng Công an chính quy khi về xã sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, để từ đó tuyên truyền về hôn nhân gia đình hay chế tài xử lý hành chính, hình sự để họ hiểu, không vi phạm. Các đồng chí cũng có thể sớm phát hiện mâu thuẫn gia đình, ngăn chặn tâm lý cực đoan, từ đó góp phần ngăn ngừa các vụ tự tử vì nguyên nhân này. Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp, có cơ chế giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an chính quy về xã làm tuyên truyền viên pháp luật”.

Đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà - Đoàn Hà Giang (Phát biểu thảo luận tại Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, ngày 26-10-2020)

Lực lượng bảo vệ dân phố đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Lực lượng bảo vệ dân phố đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch Covid-19

7 nhóm nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở:

* Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

* Tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

* Thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

* Tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn.

* Tham gia vận động, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng.

* Bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù.

* Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

(Còn tiếp)

Bài 2: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự cơ sở