An ninh Thủ đô trong lòng bạn đọc

ANTD.VN - Những tờ báo in An ninh Thủ đô sờn cũ xuất bản cách đây 20 năm được một gia đình ở Hà Nội lưu giữ cẩn thận. Vào những dịp đặc biệt, bà Nguyễn Thị Tề (89 tuổi, ở 24 phố Hàng Cân, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại mang những cuốn báo cũ ra đọc lại cùng các con, cháu. Suốt bao nhiêu năm qua, những thông tin, bài viết trên Báo An ninh Thủ đô chính là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của một gia đình tứ đại đồng đường truyền thống này!  

Cùng với xu thế phát triển của đất nước và thế giới, Báo An ninh Thủ đô đã đa dạng loại hình gồm báo in, báo điện tử và truyền hình. Thế nhưng, ở những góc phố, nếp nhà ở Hà Nội vẫn có những độc giả yêu mến tờ báo hàng đầu của Thủ đô trân trọng, lưu giữ những tờ báo in bởi đơn giản trong đó có những bài viết hay, có ý nghĩa xã hội đối với nhiều thế hệ.

 Cuốn báo cũ trong gia đình tứ đại đồng đường

Tìm đến ngôi nhà cổ ở 24 phố Hàng Cân, Hà Nội vào một ngày giữa tháng 6 oi ả, nơi có một gia đình 19 người thuộc 4 thế hệ cùng chung sống trong hàng chục năm qua. Ở đó, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Tề (89 tuổi) chào đón. Đó là một cụ bà với mái tóc bạc trắng như cước, nụ cười hiền từ và đôi mắt sáng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà Tề vẫn thoăn thoát leo từng bậc cầu thang để lấy cuốn “album” đặc biệt được cất giữ cẩn thận trong chiếc tủ sờn cũ ở căn gác hai.

Nhiều năm qua, khi xã hội ngày càng phát triển, người dân có thể tiếp nhận thông tin bằng nhiều kênh, loại hình khác nhau, thế nhưng đối với những người Hà Nội, người ta vẫn thích ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng và đọc báo.

Nói đặc biệt bởi lẽ, cuốn “album” này là những tờ báo cũ, bức ảnh, bài báo được bà Tề lưu lại cẩn thận suốt hàng chục năm qua. Trong đó có số báo đặc biệt - An ninh Thủ đô Tết Xuân Tân Tỵ 2001. Trao đổi với bà Tề chúng tôi được biết người phụ nữ đã bước qua gần 2 thế kỷ là một độc giả trung thành của Báo An ninh Thủ đô từ hàng chục năm nay.

“Những năm 2000, khi ấy thông tin báo chí chỉ mới phát triển báo in, việc đầu tiên mỗi buổi sáng như một thói quen khó bỏ của những người Hà Nội như tôi là ra sạp báo gần nhà mua một tờ Báo An ninh Thủ đô. Lúc ấy, thông tin báo chí còn rất hiếm, chính vì vậy chúng tôi - những người bán hàng ở phố cổ vẫn chuyền tay nhau xem báo buổi sáng. Những thông tin, bài viết về phòng ngừa tội phạm, cảnh giác thủ đoạn, người tốt việc tốt lúc ấy thực sự được người dân quan tâm chú ý rất nhiều” - bà Tề tâm sự. 

Cầm ấn phẩm Báo Tết An ninh Thủ đô năm 2001, bà Tề vui vẻ kể về câu chuyện của cách đây 20 năm, bà chầm chậm lật giở từng trang báo với những tấm ảnh, bài viết, mọi ký ức như ùa về. “Cuối năm 2000, khi Thủ đô đang bước vào những ngày rộn ràng chuẩn bị cho một năm mới, người Hà Nội như chúng tôi lại tranh thủ mua tờ báo Tết - “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về. Tờ báo này tôi đặc biệt yêu thích, bởi trong đó có nhiều tác phẩm rất tâm đắc, ý nghĩa và có tính giáo dục sâu sắc. Nhiều bài viết xúc động, mà sau này tôi vẫn thường lật giở và đọc lại cho các con cháu cùng nghe. Sau 20 năm, nó vẫn còn nguyên giá trị bởi những thông tin rất hữu ích”, bà Nguyễn Thị Tề chia sẻ.

Tờ báo hàng đầu của Thủ đô

Không chỉ lưu giữ cuốn báo Tết đặc biệt như một món quà kỷ niệm của quá khứ, của những ngày không quên gắn với thăng trầm của gia đình, bà Tề giữ lại những tờ báo mình tâm đắc như những cuốn “cẩm nang” để dăn dạy con cháu.

“Vào những ngày cuối tuần, khi các cháu, chắt được nghỉ học, quây quần bên chiếc bàn đá gần 70 năm tuổi của gia đình, tôi vẫn thường lấy cuốn “album” để cùng các con cháu xem lại. Đó như một cách để giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, về cách sống, cách đối nhân xử thế. Bên cạnh những câu chuyện hàng ngày, tôi vẫn chỉ dạy con cháu về những bài học báo đã đăng.

Từ những chuyện làm sao để bảo quản tài sản, phòng ngừa cháy nổ, bài học cảnh giác tội phạm đến cách sống đẹp như những bông hoa, làm việc tốt mỗi ngày... Tôi thật sự thấy tự hào, hạnh phúc vì nhờ những câu chuyện việc thật, người thật được báo đăng là minh chứng là tấm gương sáng để con cháu của tôi lớn lên, trưởng thành, trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Đó là tài sản lớn nhất của gia đình tôi”, bà Tề cẩn thận vuốt phẳng lại mép trang báo cũ vừa tâm sự.

 

Phóng viên Linh Nhi trong chuyến công tác

Là người sinh ra, lớn lên và già đi cùng Thủ đô nghìn năm văn hiến, chứng kiến bao thăng trầm cùng các sự kiện lịch sử của Hà Nội, những người như bà Tề dành cho Hà Nội một tình yêu đặc biệt. “Thủ đô ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn, cuộc sống của người dân cũng vì thế được nâng lên. Báo chí chính là một trong những phương tiện gắn kết chính quyền và người dân. Tôi thực sự khâm phục và ghi nhận những nỗ lực của những người làm báo trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, Báo An ninh Thủ đô đã và đang thực hiện sứ mệnh như lời tòa soạn viết cách đây 20 năm “An ninh Thủ đô trách nhiệm - thách thức lớn đang chờ....” - bà Tề chia sẻ

Nhiều năm qua, khi xã hội ngày càng phát triển, người dân có thể tiếp nhận thông tin bằng nhiều kênh, loại hình khác nhau, thế nhưng đối với những người Hà Nội, người ta vẫn thích ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng và đọc báo.

Báo An ninh Thủ đô sau quá trình 44 năm xây dựng và trưởng thành đã phát triển cả 3 loại hình báo in, báo mạng điện tử và báo truyền hình, là một trong những kênh thông tin nhanh, chính xác. Đối với những người làm báo có được “độc giả đặc biệt” như gia đình bà Tề chính là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của những người làm báo để cung cấp thông tin cho bạn đọc.

An ninh Thủ đô trong lòng bạn đọc ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Tề chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về câu chuyện tờ báo đặc biệt cách đây 20 năm được gìn giữ cẩn thận

“Cuối năm 2000, khi Thủ đô đang bước vào những ngày rộn ràng chuẩn bị cho một năm mới, người Hà Nội như chúng tôi lại tranh thủ mua tờ báo Tết - “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về. Tờ báo này tôi đặc biệt yêu thích, bởi trong đó có nhiều tác phẩm rất tâm đắc, ý nghĩa và có tính giáo dục sâu sắc. Nhiều bài viết xúc động, mà sau này tôi vẫn thường lật giở và đọc lại cho các con cháu cùng nghe. Sau 20 năm, nó vẫn còn nguyên giá trị bởi những thông tin rất hữu ích”. 

Bà Nguyễn Thị Tề (24 phố Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)