An ninh nước Mỹ 3 ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được xác định là một “sự kiện đặc biệt về an ninh quốc gia”. Tất cả các lực lượng chuẩn bị cho sự kiện này đều được đặt ở mức an ninh cao nhất, bởi không thể loại trừ khả năng sẽ bị đám đông kích động tấn công như vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội vừa qua.
Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ theo truyền thống được tổ chức tại tòa nhà Quốc hội

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ theo truyền thống được tổ chức tại tòa nhà Quốc hội

Chiến dịch chưa từng có tiền lệ

Cơ quan mật vụ Mỹ đang chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch an ninh tổng thể cho lễ nhậm chức của tân Tổng thống, phối hợp với họ là các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và Lầu Năm Góc. Cụ thể, họ sẽ điều phối tất cả các quyết định về an ninh, bao gồm cách bảo vệ điện Capitol, cách kiểm soát dòng người biểu tình, họ quyết định ga tàu điện ngầm nào sẽ bị đóng cửa và đường nào sẽ bị chặn.

Mật vụ Mỹ đã giám sát tất cả các sự kiện đặc biệt về an ninh quốc gia kể từ khi Tổng thống Bill Clinton ký văn bản năm 1998 giao cho cơ quan này phụ trách tất cả các cuộc hội họp lớn có thể là mục tiêu khủng bố, từ hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới, cuộc họp của các tổ chức quốc tế cho đến hội nghị tổng thống và lễ nhậm chức.

Ngày 16-1, lực lượng Vệ binh quốc gia cho biết, Lầu Năm Góc đã điều động 25.000 binh sỹ để bảo vệ cho lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. “Mọi bang, vùng lãnh thổ và đặc khu Columbia sẽ có Vệ binh quốc gia hỗ trợ lễ nhậm chức” - tuyên bố của lực lượng này cho biết. Các binh sỹ với đầy đủ vũ khí và trang thiết bị chống bạo động đã có mặt ở khắp thủ đô, đặc biệt là khu vực xung quanh trụ sở các cơ quan công quyền. Trong một so sánh với năm 2016, khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, chỉ có khoảng 8.000 binh sỹ làm nhiệm vụ tại Washington.

Tờ Washington Post cho hay, hoạt động an ninh cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden là cuộc huy động lực lượng “không giống bất kỳ điều gì trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ”. Sở dĩ như vậy bởi nhà chức trách Mỹ phải tăng cường cảnh giác sau vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội hôm 6-1 khiến 5 người thiệt mạng. Giới chức Mỹ lo ngại khả năng xảy ra biểu tình có vũ trang vào thời điểm diễn ra lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

“Nếu các biện pháp an ninh trong ngày 6-1 cũng được lên kế hoạch kỹ càng như lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20-1 thì một con ruồi cũng không thể lọt vào điện Capitol”.

Hạ nghị sĩ Tom Malinowski

Khu vực lễ nhậm chức là tòa nhà Quốc hội hiện được lắp đặt hàng rào an ninh cao 2m và duy trì đến ngày 30-1. Hàng chục người được cho là có khả năng gây bạo loạn đang nằm trong diện theo dõi đặc biệt. Ngày 14-1, một loạt hãng hàng không như Delta Airlines, United Airlines, Alaska Airlines, American Airlines… thông báo cấm hành khách trên các chuyến bay đến Washington mang súng trong hành lý ký gửi từ ngày 16 đến 23-1.

Ngày 14-1, trong cuộc họp ở trụ sở Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang và trong một cuộc họp khác với lực lượng Vệ binh quốc gia đang bảo vệ tòa nhà Quốc hội Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định sẽ tuân thủ quá trình chuyển giao quyền lực này và đảm bảo một lễ nhậm chức an toàn. Ban tổ chức dự kiến số lượng người được phép vào các khu vực an toàn tại lễ nhậm chức sẽ giảm xuống dưới 3.000 người, so với 200.000 người như các lần khác.

Lực lượng Vệ binh quốc gia được bố trí dày đặc tại Thủ đô Washington D.C trước và trong ngày nhậm chức

Lực lượng Vệ binh quốc gia được bố trí dày đặc tại Thủ đô Washington D.C trước và trong ngày nhậm chức

Mối nguy khủng bố trong nước

Trong khi đó, Cục Điều tra liên bang (FBI) đã nhận được thông tin tình báo cho thấy, các “cuộc biểu tình có vũ trang” đang được lên kế hoạch tại tất cả 50 thủ phủ bang, thậm chí ngay cả ở khu vực điện Capitol (Washington) từ ngày 16 đến 20-1. Nhiều nhóm cực hữu đã kêu gọi biểu tình thông qua mạng xã hội. Hôm 15-1, quyền Cảnh sát trưởng Robert Contee của Sở Cảnh sát Washington cho biết đã nhận được thông tin hàng ngày từ FBI về các cuộc biểu tình có thể xảy ra xung quanh lễ nhậm chức.

Các quan chức cấp cao của Cơ quan mật vụ và Bộ An ninh nội địa chia sẻ, mức độ lo lắng cho sự kiện lần này “không giống như bất cứ điều gì trong sự nghiệp của họ”. Theo Washington Post, đó là lo ngại về các nhóm vũ trang âm mưu vây quanh Nhà Trắng, điện Capitol, cũng như khả năng các tay súng có thể tấn công phối hợp nhằm vào các mục tiêu ít kiên cố trong thành phố.

Cuộc bạo loạn ở đồi Capitol khiến giới chức an ninh Mỹ đang nghĩ tới điều không tưởng, đó là: Kẻ thù ở ngay trong nội bộ có thể đe dọa lễ nhậm chức của ông Biden. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan đã cảnh báo rằng, các chiến binh cực hữu và các nhóm cực đoan da trắng có thể tuyển dụng hoặc cực đoan hóa những người từng được đào tạo về quân sự và thực thi pháp luật. Họ nói rằng, vụ bạo loạn hôm 6-1 khiến 5 người thiệt mạng là dấu hiệu cho thấy những lo ngại ấy đã trở thành hiện thực.

Theo CNN, đến nay hơn 110 người đã bị khởi tố do liên quan đến vụ bạo loạn nói trên. Trong số đó, ít nhất 21 đối tượng đã từng hoặc đang phục vụ trong quân đội hay các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Trong nhiều trường hợp, những kẻ xông vào điện Capitol cũng sử dụng áo giáp, chiến thuật đột kích, thiết bị truyền tin (tai nghe radio 2 chiều) tương tự như của lực lượng cảnh sát mà họ đang đối đầu. Đơn cử, họ vượt qua các khung cửa sổ vỡ chỉ 2 người/lần, đó chính là chiến thuật di chuyển của binh sĩ Mỹ ở Iraq và Afghanistan khi tấn công vào một tòa nhà.

Trong khi Lầu Năm Góc từ chối cung cấp ước tính có bao nhiêu quân nhân đang tại ngũ đang bị điều tra thì ngày 12-1, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cùng những lãnh đạo quân đội khác đã gửi một bức thư chưa từng có tiền lệ cho các thành viên lực lượng vũ trang: “Cuộc bạo loạn dữ dội ở Washington là đòn tấn công trực tiếp vào quy trình hiến định của chúng ta. Quyền tự do ngôn luận và hội họp không cho phép bất kỳ ai được sử dụng bạo lực, kích động và nổi dậy”.

Ông Donald Trump ra đi nhưng chưa phải kết thúc

Hãng tin NBC cho biết, ông Donald Trump dự kiến sẽ rời Nhà Trắng lần cuối cùng trên cương vị Tổng thống vào sáng 20-1. Hai nguồn tin thân cận với ông nói rằng, ông Trump sẽ bay về nhà riêng ở West Palm Beach (Florida) và hạ cánh xuống đó trước buổi trưa, khi vẫn còn là người đứng đầu nước Mỹ. Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại điện Capitol sẽ diễn ra vào khoảng 12h cùng ngày.

Kế hoạch cho sự ra đi của ông Trump vẫn đang được cân nhắc, ví dụ có thể ông sẽ tổ chức một buổi lễ nhỏ tại căn cứ Andrews trước khi rời đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Hôm 14-1, nhân viên Nhà Trắng đã bắt đầu đóng gói đồ đạc đưa vào xe tải chuyển đi. Ông Trump đã nói rằng, ông không tham dự buổi lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Việc các trợ lý và đồng minh của ông Trump xác nhận ông sẽ rời đi đúng ngày nhậm chức cho thấy tình hình có vẻ diễn ra trôi chảy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang đối mặt với nhiều thách thức khi bị Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội lần hai và đang chờ cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Ông là Tổng thống duy nhất trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội 2 lần và đang cân nhắc lựa chọn thực hiện một ân xá chưa từng có, đó là tự ân xá cho chính mình. Việc luận tội không thể diễn ra sớm hơn ngày ông hết nhiệm kỳ.

Có ý kiến cho rằng, đây là cuộc luận tội bất thường vì nó sẽ xảy ra sau khi ông Trump rời nhiệm sở. Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông đã tranh luận rằng, không thể luận tội một cựu quan chức. Nhưng hầu hết các chuyên gia pháp lý lại cho đó là điều hợp lý và hợp pháp vì nó có thể khiến ông Trump không thể giữ các chức vụ trong tương lai. Tuy nhiên, chưa từng có tổng thống Mỹ nào bị Thượng viện kết tội. Vì vậy, phiên tòa luận tội để ngăn ông Donald Trump tham gia các chức vụ chính phủ tương lai vẫn khó đoán.