Triển vọng sản xuất lúa gạo đến năm 2030:

An ninh lương thực quá lạc quan!

(ANTĐ) - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã đưa ra những kịch bản từ lạc quan đến xấu nhất cho sản xuất lúa gạo trong nước, tầm nhìn đến năm 2030.
 Song, điều khiến nhiều người ngạc nhiên, dù với kịch bản nào, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn rất lạc quan cho tới 20 năm sau. Kịch bản xấu cũng sáng lạn Tại Hội thảo về phát triển các ngành hàng nông nghiệp diễn ra vừa qua, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (CAP) thuộc IPSARD đã đưa ra bốn nhóm kịch bản cho sản xuất lúa gạo Việt Nam. Trong đó, sáng lạn nhất là kịch bản, đến năm 2030, diện tích đất lúa vẫn giữ được 3,8 triệu hécta, sản lượng đạt gần 9 triệu tấn. Khi đó, không những đảm bảo an ninh lương thực mà ngay cả vị thế xuất khẩu (XK) gạo dẫn đầu thế giới của Việt Nam là hoàn toàn trong tầm tay.  Ông Nguyễn Ngọc Quế (thành viên nhóm nghiên cứu thuộc CAP) khẳng định: “Ngay cả kịch bản xấu nhất mà chúng tôi dự báo trên cơ sở tham vấn các chuyên gia lúa gạo trong và ngoài nước, 3 triệu hécta đất lúa cho năm 2030, tổng sản lượng gạo trong nước vẫn là 7 triệu tấn, tiêu dùng trong nước hết 5 triệu tấn, vẫn dư thừa khoảng 2 triệu tấn để XK. Chưa kể, dự báo tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch của Bộ NN&PTNT giảm từ 10% xuống 7% thì lượng gạo dư thừa sẽ cao hơn”. Về tiêu thụ gạo bình quân trên đầu người, gần 20 năm sau, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cấp xã của nước ta duy trì 100 - 120kg/người/năm. Trên cơ sở tính toán khoa học và tư vấn từ các chuyên gia lúa gạo trong và ngoài nước, CAP đã mang lại bức tranh khá tươi sáng cho lúa gạo nước ta trong vòng 20 năm tới với mức thặng dư lúa gạo XK đạt tối thiểu 1,5 - 2 triệu tấn/năm.
An ninh lương thực quá lạc quan! ảnh 1
Giữ ổn định đất lúa trong bối cảnh đô thị hóa là khó khăn
Trong khi việc giữ vững ổn định đất lúa trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện tại là bài toán khó cho các ngành, địa phương, không ít chuyên gia lo ngại về sự… lạc quan thái quá của những kịch bản trên. Bởi, theo tính toán, trung bình mỗi năm, cả nước mất đi khoảng 70.000ha đất lúa 2 vụ. Trong khi đó, dự báo, trong thời gian tới, tốc độ mất đất nông nghiệp sẽ còn tăng lên do đô thị và công nghiệp hóa phát triển. Đáng nói, đất lúa bị thu hồi hầu hết là diện tích lúa nước, 2 vụ, tập trung ở những tỉnh, thành khu vực đồng bằng, thuận tiện về giao thông, thủy lợi. Chưa sát thực tế Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phạm Huy Thông lo ngại, liệu những kịch bản này đã tính đến những rủi ro mà ngành lúa gạo sẽ đối mặt như thiếu nước ngọt, sự phức tạp của thiên tai, dịch bệnh… “Dòng Mê Kông - nguồn nước ngọt chính cung cấp cho toàn vùng lúa ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các công trình thủy điện xây dựng quá nhiều. Chắc chắn toàn bộ vùng hạ du của lưu vực sông là ĐBSCL sẽ gánh chịu hậu quả, nhất về mùa khô. Thiếu nước và mặn hóa xâm nhập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của vựa lúa lớn nhất Việt Nam này”, ông Thông cho biết. Bên cạnh đó, ông Thông cũng lo ngại về khả năng giữ đất của Việt Nam trong vòng 10 - 20 năm tới và khẳng định phương án giữ đất lúa ít nhất 3 triệu hécta đến năm 2030 chỉ đạt xác suất 50/50 bởi có quá nhiều yếu tố cản trở để có thể đạt được con số này. Thực tế, khi xây dựng đề án xây dựng an ninh lương thực quốc gia trình Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có nhiều phương án khác nhau về đất lúa, theo đó dao động từ khoảng 3,2 - 4 triệu hécta. Phương án cuối cùng mà Chính phủ quyết định, giữ vững quỹ đất khoảng 3,8 triệu hécta. Mục tiêu này không chỉ cho 10, 20 năm sau mà thậm chí cả trăm năm tới. “Giữ đất lúa hoàn toàn khác với việc giữ diện tích gieo trồng, bởi khi đất lúa đó bị chuyển đổi mục đích sử dụng thì vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được chất đất vốn có cho việc trồng lúa”, ông Thông nói. Do vậy, trước 4 kịch bản lạc quan mà CAP đưa ra, ông Thông cho rằng, cần phải có thời gian tính toán, xem xét lại tổng thể các yếu tố rủi ro có thể tác động đến diện tích cũng như năng suất lúa gạo.