Ăn nho biển, uống nước vối giữa Trường Sa

ANTD.VN - Khi lên đến đảo Trường Sa, giữa bốn bề là sóng biển mênh mông, một sắc xanh bao phủ khắp đảo và thật kỳ lạ, xen lẫn giữa những cây phong ba, bàng vuông đầy sức sống là cây tra cao lớn, hiên ngang trước bão tố, mưa giông. Lính Trường Sa đặt cho cây tra một cái tên hết sức mỹ miều, đẹp đẽ, thân thương đó là “Cây nho biển”. Ăn nho biển và uống nước vối ở Trường Sa, một trải nghiệm đầy thú vị cho bất cứ ai đặt chân lên đảo.

Trong mặc định suy nghĩ của tôi trước khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa rằng, mảnh đất thiêng liêng này của Tổ quốc chỉ có cây bàng vuông, cây phong ba…, những loài cây huyền thoại mới có thể sinh tồn được ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

Tuy nhiên, khi lên đến đảo Trường Sa, giữa bốn bề là sóng biển mênh mông, một sắc xanh bao phủ khắp đảo và thật kỳ lạ, xen lẫn giữa những cây phong ba, bàng vuông đầy sức sống là cây tra cao lớn, hiên ngang trước bão tố, phong ba. Lính Trường Sa đặt cho cây tra một cái tên hết sức mỹ miều, đẹp đẽ, thân thương đó là “ cây nho biển”. Ăn nho biển và uống nước vối ở Trường Sa, một trải nghiệm đầy thú vị cho bất cứ ai đặt chân lên đảo.

Hương vị quê nhà ở Trường Sa

Dáng người đậm chắc, nước da bóng như gỗ lim, Trung úy Đào Văn Trọng đón chúng tôi từ cầu cảng dẫn lên khu vực nhà chỉ huy của đảo. Quê ở Thanh Hóa, Trung úy Đào Văn Trọng đến với đảo Trường Sa đã được hơn 1 năm. Khỏi phải nói, ngày nhận quyết định ra công tác tại quần đảo Trường Sa, anh vui mừng như thế nào.

Rót chén nước lá vối mời chúng tôi, đoàn phóng viên ra đảo Trường Sa, Trung úy Trọng nói như khoe: Đây đều là lá vối được mang từ trong đất liền ra đấy. Chiến sĩ đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc thường mang ít nhất một đặc sản nào đó của quê mình ra để làm quà, cũng như khoe với đồng đội ngoài đảo về những điều lạ lẫm, thú vị nơi quê nhà.

Uống nước vối giữa Trường Sa trong những ngày áp Tết đem lại cảm giác thật đặc biệt cho bất cứ ai đặt chân lên đảo

Và thật ngẫu nhiên, trong số rất nhiều những món quà quê ấy, hầu như ai cũng có túi lá vối xanh mát được lính trẻ bọc cất rất cẩn thận trong ba lô. Lá vối tươi uống thơm, ngon nhưng để lâu sẽ dễ nấm mốc. Những chiếc lá vối này được lính trẻ cẩn thận phơi khô dưới cái nắng gió của đảo Trường Sa rồi gói chặt trong túi ni lông, trang trọng để ở trong tủ cá nhân. Chỉ khi nào có khách quý, lính Trường Sa mới mang lá vối ra pha, coi đó như là thứ nước nhân sâm hảo hạng nhất thiết đãi thượng khách, những người từ trong đất liền ra với Trường Sa thân yêu.

Nhấp ngụm nước vối xanh giữa cái nắng nóng khủng khiếp, không khí khô mặn mòi vị muối biển của Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận được hết vị thơm, mát của thứ nước quê dân dã mà bấy lâu giữa chốn thị thành tưởng chừng như chẳng còn thời gian để thưởng thức. Ở giữa đảo Trường Sa, được uống thứ nước quý ấy đi suốt những năm tháng của tuổi thơ trong trẻo, những lời ru của mẹ, của bà dưới tán cây trưa hè trong gió vàng rực sắc nắng mới thấy được sự thiêng liêng của hai từ Tổ quốc, của mẹ hiền.

Những cây vối của làng quê được người nông dân trồng ở bờ ao, đầu làng, nó không chỉ là cây che mưa, che nắng, mà còn cho ra thứ nước giải khát thượng hạng, xua tan đi cái nắng nực của những trưa hè oi bức. Những chiếc lá vối và mùi vị thơm mát của nó giữa đất trời biển đảo Trường Sa ấy giúp cho người lính trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Nói như Hạ sỹ Đào Minh Thi, tưởng chừng như đang được mẹ pha cho ca vối trưa hè cùng cha đi làm đồng, giúp gia đình sau buổi học.

Ở đảo Trường Sa Đông, bộ đội cũng trồng được một cây vối. Cậu lính trẻ Đoàn Ngọc Quốc sinh năm 2000, quê ở Bình Dương dẫn tôi vào trong khu vườn rau xanh của đơn vị để tham quan.

Chỉ vào góc vườn, Quốc nói như khoe với tôi: “Cây vối được anh em trong đơn vị chăm sóc kỹ lắm. Khác với lá bàng vuông hay lá cây tra, lá vối nếu như không được che chắn kỹ thì gió biển, sương muối vào sẽ rất dễ bị hỏng. Cây phải được che chắn cẩn thận mới có sức để chống lại gió, bão Trường Sa”.

Những cây lá vối được bộ đội chăm chút cẩn thận trong từng vườn rau

Biết tôi thích uống nước vối, Quốc hào phóng cẩn thận ngắt mấy lá vối nếp và rửa sạch, cho vào ấm nước sôi để hãm mời mọi người. Nhấp ngụm nước vối cảm giác dịu mát lan dần ở đầu lưỡi, lan tỏa xuống như xua tan hết mệt mỏi sau hải trình cuối năm mùa biển động.

Thiếu tá Nguyễn Đức Khánh, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 của đảo Trường Sa Đông tâm sự với chúng tôi: Cái cách uống nước vối của những người lính trẻ ở đây cũng thật đặc biệt. Uống không chỉ để xua tan đi cái nắng nóng, không khí khắc nghiệt nơi biển đảo trùng khơi mà còn là để yêu hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, thân thuộc như bờ tre gốc rạ, như lời ru của bà, của mẹ trong những trưa hè rộn tiếng ve.

Còn Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa cười tủm tỉm: Vối quê, lại đun bằng nước mưa của giời, lửa của đất giữa Trường Sa thân yêu thì thứ nước ấy đến nhân sâm thượng đẳng cũng chẳng bằng. Tuyệt nhất là lại được uống cùng những người con từ đất liền giữa những ngày Tết nắng gió ra thăm Trường Sa thì còn gì tuyệt hơn nữa.

Bộ đội yêu cây như máu thịt

Giữa bốn bề xanh thẫm của biển khơi, đảo Trường Sa được phủ thêm màu xanh mát của những tán cây phong ba, cây bàng vuông, dừa… và đặc biệt là cây tra. Thoạt nhìn, cây bàng vuông và cây tra có những nét khá tương đồng. Lá của hai cây khá dầy, cứng cáp và mạnh mẽ.

Nhưng thay vì tròn như bàn tay xòe ra mạnh mẽ của cây tra thì cây bàng vuông lá thuôn dài như lưỡi đao cứng cáp. Nhưng đã ở đảo Trường Sa hay bất cứ đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa thì cây cũng giống như người, nó cũng phải gồng mình vươn lên để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt. Bất kỳ loại cây nào trên quần đảo Trường Sa đều gai góc, mạnh mẽ, sần sùi, quyết liệt và đẹp lạ lùng.

Những bông hoa cây tra-nho biển thuôn dài màu trắng đẹp đẽ giữa nắng gió Trường Sa

Những người lính ở Trường Sa yêu cây đến độ si mê còn hơn cả người yêu. Trước những cơn bão, ngoài nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các khu vực, thì hàng cây, tán lá trên đảo cũng được lính Trường Sa chăm chút, lo lắng vô cùng.

Chuyện kể rằng, có người lính trẻ sau một đêm vật lộn với cơn bão để làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, sáng ra nhìn thấy cây tra nhỏ anh trồng bị gió bão quật gẫy đã ôm mặt khóc rưng rức vì tiếc thương. Chẳng biết anh chàng lính ấy bằng cách nào mà học được kỹ thuật ghép nối để những cành cây nhỏ ấy chỉ sau thời gian ngắn lại vươn mình lên sức sống mãnh liệt giữa bão tố Trường Sa.

Thiếu nước ngọt và cơ man nào là bão biển, hơi muối mặn chát là những khó khăn, trở ngại lớn nhất cho cây cối sinh trưởng. Những cơn bão mang theo nước muối mặn khiến cho từng tán lá dù dầy và cứng cũng bị xoăn lại, cháy khô. Cây tra cũng không ngoại lệ. Nhưng thật lạ kỳ, nó vẫn vươn mình lên giữa nắng, gió, giữa mặn mòi của biển, trong sự chăm sóc tận tâm của những người lính đảo.

Những lá nho biển non được bộ đội dùng làm rau xanh ăn với khá nhiều món

Những bông hoa của cây tra mà người lính đảo gọi bằng cái tên hết sức thân thương là cây nho biển dài như cây bàng ở trong đất liền. Lá non của cây tra thường được lính ngắt để làm rau xanh cuốn thịt lợn luộc như lá sung ở đất liền mỗi khi đảo có dịp liên hoan. Đây cũng là nguồn rau xanh quan trọng trên đảo. Nụ hoa tra nhỏ li ti mang màu trắng tinh khôi của biển cả, xen lẫn giữa những tán lá xanh biếc màu trời.

Chỉ sau ít ngày, những bông hoa nhỏ ấy đã kết quả nhỏ xíu như đầu tăm và lớn dần. Bông hoa càng dài thì khi đậu quả càng nhiều, càng lớn, tựa như một chùm nho. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, chỉ ước chừng 2 tháng, từ những bông hoa nhỏ trắng xinh ấy, sẽ cho ra những chùm nho biển xanh biếc, quả to bằng đầu ngón tay cái của trẻ con. Lính đảo sướng lắm, chăm chút từng chùm một, thuộc từng vị trí chùm nho trên tán cây.

Những cây tra, bàng vuông… cũng là ngôi nhà của biết bao chú chim trên đảo. Trên đảo Trường Sa, có rất nhiều cò trắng thong dong đi kiếm ăn ở những gốc cây. Khi hoàng hôn buông xuống, chúng thường chọn những tán cây lớn rồi bay lên ngủ. Lính đảo yêu cây như thế nào thì cũng yêu những loài chim đến đảo như vậy. Cậu lính trẻ Nguyễn Văn Nam quê ở Thanh Hóa vui vẻ: “Chim cũng giống như những người bạn của lính đảo”.

Đó là những chú chim di cư bị lạc đàn. Trong cơn hoảng loạn giữa đất trời bao la, phía dưới là mênh mông sóng nước bạc đầu, những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa như là bến đỗ đầy hy vọng, cứu sống đàn chim thoát khỏi bão tố. Đám lính trẻ thân thuộc với những con chim đến nỗi phân biệt, nhận biết tập tính của từng con.

Những chùm nho biển xanh biếc trên đảo được ngâm với đường tạo thành mứt nho rất ngon

Từ khi ra hoa cho đến quả, những chùm nho biển chỉ mất chừng 2 tháng. Khi thấy những chùm nho này quả sẫm màu chín, lính trẻ nhẹ nhàng dùng dụng cụ đặc biệt được thiết kế từ những bàn tay khéo léo hái chùm nho xuống mà không để rơi, gẫy bất cứ một chiếc lá tra nào. Những chùm nho biển đẹp nhất sẽ được cán bộ chiến sĩ lựa chọn để đưa vào mâm ngũ quả ngày Tết, thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ. Số còn lại, sẽ được lính đảo phơi qua nắng gió của biển trước khi cẩn thận cho vào chiếc lọ thủy tinh trong suốt, rắc lên ít đường trắng và đóng nắp lại, dán băng dính kín.

Chỉ khi nào có khách quý từ đất liền ra, những lọ mứt tra này mới được lính nhà ta mang ra thiết đãi khách. Cùng với cốc nước vối thơm lừng vị quê nhà, vị chan chát, ngọt dịu và có cả chút mằn mặn của muối biển từ những quả nho biển này khiến cho bất cứ ai thưởng thức cũng không bao giờ có thể quên được. Đó là vị của quê hương, của tình yêu biển, đảo tha thiết...

Và với tôi, một chiến sỹ của Báo An ninh Thủ đô, Công an thành phố Hà Nội, thì sự tha thiết ấy càng nhân lên gấp bội.