Các vụ TNGT nghiêm trọng:

Án nhẹ, khó răn đe lái xe vi phạm

ANTĐ - Ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân còn quá kém, điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, công tác điều tra, xử lý đối với các vụ án TNGT trên vẫn còn nhiều bất cập, trong khi đó khung hình phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Án nhẹ, khó răn đe lái xe vi phạm ảnh 1
Công tác khám nghiệm hiện trường có vai trò đặc biệt quan trọng 
để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn

Tai nạn nhiều, xử phạt ít

Phân tích những nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT, Trung tá Nguyễn Văn Tài – Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra TNGT đánh giá: “Hầu hết là do ý thức chấp hành pháp luật, Luật Giao thông kém của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông”. Chứng minh cho nhận định của mình, Trung tá Nguyễn Văn Tài dẫn chứng, ngay như thời điểm đầu năm 2013, tình hình TNGT ở các huyện ngoại thành Hà Nội tăng đột biến. Qua khảo sát, nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT trên không phải là do hệ thống cơ sở hạ tầng yếu mà là ý thức kém của người dân. Với tốc độ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đã được trải nhựa, bê tông hóa. Tại một số tỉnh lộ đi qua các huyện như Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây, mặt đường đã được nâng cấp, trải rộng, nhiều làn xe. Nhưng đáng buồn là hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đẹp, tốt lên lại tỷ lệ thuận với những vụ TNGT. Chỉ huy của Đội CSGT CAH Ba Vì cũng chung nhận định: Nhiều vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện không có bằng lái; chở người quá quy định và đi với tốc độ cao. Có nhiều “điểm đen” lại hình thành ở ngay chính những đoạn đường đã được sửa chữa, mở rộng. 

Cũng theo Phòng CSGT, trong năm 2012, trên địa bàn thành phố đã xảy ra tới 777 vụ TNGT làm 619 người chết và 397 người bị thương. Mặc dù số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra nhiều nhưng trong cả năm CATP Hà Nội mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can 196 vụ TNGT nghiêm trọng với 181 bị can. Con số này chỉ đạt 34% so với tổng số vụ TNGT xảy ra. Trong tổng số 196 vụ TNGT nghiêm trọng đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Phòng CSGT điều tra, thụ lý giải quyết 19 vụ, số còn lại hầu hết được Cơ quan CSĐT ở các quận, huyện, thị xã hoặc Phòng CSHS xử lý. 

Số người gây TNGT được đưa ra xét xử hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ
 so với số vụ TNGT xảy ra

Cần thiết nâng mức hình phạt 

Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới “nghịch lý” tai nạn nhiều nhưng việc đưa ra truy tố, xét xử hình sự còn quá ít, đại diện Phòng CSGT cho biết: Theo phân cấp điều tra xử lý, hiện Phòng CSGT chỉ thụ lý điều tra những vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài và một số trường hợp đặc biệt. Số vụ TNGT theo diện còn lại nếu xảy ra ở địa bàn nào, cơ quan CSĐT ở quận, huyện hoặc thị xã đó phải có trách nhiệm thụ lý. Nếu TNGT có dấu hiệu tội phạm hình sự sẽ được chuyển sang Cơ quan CSĐT làm rõ. Trong hơn 777 vụ TNGT khiến 619 người chết của năm 2012, có tới 70% số vụ xảy ra ở huyện ngoại thành, trên những tuyến quốc lộ. Còn chỉ huy của Đội Điều tra Tổng hợp CAQ Cầu Giấy cho hay: Số vụ TNGT được đưa ra truy tố trách nhiệm hình sự hiện nay còn hạn chế cũng bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Cụ thể, quá trình giải quyết vụ án vi phạm quy định về ATGT ngoài những khó khăn trong công tác khám nghiệm hiện trường còn có rất nhiều vụ việc nạn nhân đã từ chối giám định thương tích, sau đó hai bên tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Với những trường hợp này, cơ quan điều tra không có căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý đối tượng trước pháp luật. 

Trên thực tế có những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây chết người. Tuy nhiên, nguyên nhân gây TNGT lại do chính nạn nhân nên cũng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để đưa ra xét xử được. Ngay như vụ hai xe khách đâm nhau khiến 12 người chết và 60 người bị thương ở Khánh Hòa vừa qua cũng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can do lái xe gây tai nạn đã chết. Bên cạnh đó, có vụ TNGT cũng do lỗi của nạn nhân nhưng sau đó hai bên tự thỏa thuận bồi thường dân sự. Nạn nhân hoặc gia đình người bị hại không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trung tá Nguyễn Văn Tài cho biết: Hầu hết các bị cáo trong những vụ TNGT thường tự nguyện bồi thường trước cho gia đình người bị hại. Trong khi đó, nhiều gia đình bị hại cũng nghĩ rằng dù sao người chết cũng không sống lại được, cùng với sự bồi thường và năn nỉ của lái xe, họ thường làm đơn xin tòa xử bị cáo mức án nhẹ hoặc xin cho được hưởng án treo. Điều này dẫn tới tình trạng “dân sự hóa các vụ án hình sự liên quan đến TNGT”. Đặc biệt hiện nay khung hình phạt cao nhất đối với các vụ án TNGT dẫn tới chết người cũng chỉ ở mức 15 năm tù. Rõ ràng, mức xử phạt này không đủ sức răn đe, khiến cho các lái xe vi phạm “nhờn” luật.

Đồng quan điểm với đại diện Phòng CSGT, Trung tá Phùng Tuấn Cường - Đội trưởng Đội Điều tra án TNGT, Phòng CSHS cho hay: Khung hình phạt trên là quá nhẹ đối với những lái xe gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người thiệt mạng. Chưa hết, nhiều tòa án lại xử bị cáo hình phạt dưới khung và cũng không cấm lái xe hành nghề trong một thời gian nhất định khi mãn hạn tù. Có những vụ TNGT xảy ra một số trường hợp lái xe gây tai nạn còn được hưởng án treo sau khi đã được sự “hậu thuẫn” của chính gia đình nạn nhân. Theo Trung tá Phùng Tuấn Cường, nhằm xử lý nghiêm các lái xe vi phạm, tạo sự răn đe, trong công tác điều tra, truy tố và xét xử án TNGT, bên cạnh nâng cao khung hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý tin báo tố giác tội phạm liên quan đến các vụ TNGT, đồng thời làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đặc biệt chú ý đến các dấu vết, vật chứng, sơ đồ hiện trường, lấy lời khai của người làm chứng. Kinh nghiệm cho thấy, cần đấu tranh ngay với người gây tai nạn để làm rõ ý thức chủ quan của họ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có đủ căn cứ. Đối với những vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm hình sự cần làm rõ vai trò của các bị can trong vụ án có đồng phạm, xem xét kỹ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử lý đúng người, đúng tội.