Ân nghĩa không đợi tuổi

ANTĐ - Đề bài: “Trong cuộc sống có không ít những người vô cảm, song cũng có rất nhiều người sẵn sàng cứu giúp người hoạn nạn”. Hãy kể lại một câu chuyện đã để lại cho em nhiều cảm xúc suy nghĩ mà em nhớ mãi. 

Bài làm: 

“Mỗi một vì sao trên trời là linh hồn của một con người. Mỗi chiếc lá rụng đi là một tâm hồn đã trở về với tổ tiên. Nhưng cháu sẽ không bao giờ chết, nếu cháu có nghị lực và lòng quyết tâm chống lại căn bệnh này, đừng sợ nhé!”.  Đây là câu nói mà tôi không bao giờ quên được của ông Tôn Thất Bách trước khi đưa tôi vào phòng mổ - khi sự sống trong tôi tưởng như đã tắt.

Đó là năm 2003, gia đình tôi vừa đón chào một thành viên mới thì cũng là lúc tôi mắc bệnh nặng. Tôi bị một khối u lớn trong gan. Cả gia đình từ ông bà, bố mẹ, cô chú… đều đưa tôi đi khám ở nhiều bệnh viện lớn. Các xét nghiệm đều kết luận là u ác tính, khó lòng cứu chữa được. Bố mẹ tôi suy sụp tinh thần. Nhà khó, con lại bệnh trọng. Bố mẹ chưa có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chẳng có gì đáng kể so với chi tiêu hàng ngày cho đứa con nhỏ và chăm sóc thuốc men cho tôi. Đồng lương hưu ít ỏi của ông nội cũng chỉ đủ tiêu trong vài ngày. Bố mẹ tôi phải gồng mình lên để chạy vạy, xoay xở lo chữa trị cho tôi, hi vọng còn nước còn tát. Có bệnh vái tứ phương, ai mách bài thuốc gì hay cũng tìm đến nơi. Thôi thì đông tây y kết hợp, chờ vào sự may rủi của số phận.

Bố mẹ tôi đã bị vắt kiệt sức. Khổ về thể xác thì có thể chịu đựng được nhưng điều khổ nhất là về tinh thần, bố mẹ tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ con mình sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Ông nội gày sọm đi vì thương và lo cho cháu. Ngày ấy, một vài người ác ý nói rằng: Nên chuẩn bị sắm quan tài và làm ma cho tôi. Nhà tôi buồn như đưa đám. Tôi vô cùng tuyệt vọng, không muốn ăn uống gì, người gầy teo tóp, chỉ có bụng là cứ mỗi ngày một to ra như cái trống cơm, tóc trụi dần vì phải tiêm hóa chất. Hàng ngày, tôi gần như chỉ biết nằm nhìn mẹ, người đã cực khổ vì tôi quá nhiều nhưng vẫn cố hết sức để dành lại sự sống cho con. Nhiều đêm nghe tiếng mẹ khóc mà quặn thắt cõi lòng. Trong gia đình, tôi là con trai cả lại là đứa cháu trai lớn của ông nội nên ai cũng thương quý và đặt niềm tin ở tôi rất nhiều. Tôi không muốn chết nhưng mắc căn bệnh quái ác thế này, tôi không còn hi vọng gì…

Đã đến lúc tưởng chừng như sự sống trong tôi chấm dứt thì ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm. Đó chính là Phó Giáo sư, bác sỹ Tôn Thất Bách - Giám đốc bệnh viện Việt Đức. Lần đầu tiên tôi gặp ông Bách - ông khá cao, đậm người, nước da đồi mồi và mái tóc đã bạc trắng. Vì tấm lòng nhân đức ông đã viết giấy đồng ý tiếp nhận tôi. Sau khi được ông khám rất kỹ lưỡng, ông đã chuyển thẳng tôi vào phòng điều trị đặc biệt. Dù rất bận nhưng ngày nào ông cũng vào thăm khám kiểm tra sức khỏe và động viên tôi. Sau mấy ngày ở phòng chăm sóc đặc biệt, sức khỏe tôi đã khá hơn lên. Ông cho tôi đi làm các xét nghiệm và chỉ định phẫu thuật. Ông sẽ trực tiếp mổ cho tôi. Cả gia đình ai cũng hi vọng ca phẫu thuật sớm được thành công.

7 giờ sáng… (theo lời kể của mẹ), tôi được nằm giường đưa vào phòng phẫu thuật. Trước sự sợ hãi của tôi, ông Bách tươi cười động viên khích lệ tôi như mọi ngày. Những lời động viên đó đã truyền cho tôi một niềm tin, một nghị lực sống mãnh liệt. Nhìn vào đôi mắt mọng nước của mẹ, tôi quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi và sự đau đớn. Sau nhiều giờ đồng hồ hồi hộp, căng thẳng chờ đợi, đến quá trưa, ông Bách từ phòng mổ đi ra tươi cười bắt tay ông nội tôi và thông báo cho mọi người trong gia đình biết ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Cái u nặng 1,4kg trong lá gan đã được cắt bỏ. Ông nội tôi ôm lấy ông Bách mà khóc. Vậy là tôi đã được ông Bách cứu sống! Ông là người đã sinh ra tôi lần thứ hai! Ông Bách không chỉ cứu sống tôi mà còn giúp gia đình tôi về kinh tế. Ông đã bỏ tiền của mình ra thanh toán viện phí cho tôi.

Hơn một năm sau thì ông Bách mất. Quá đột ngột và bất ngờ. Nghe tin này, cả nhà tôi lặng đi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác buồn đau và xót xa như vậy. Nhờ ông mà bây giờ tôi được ngồi đây viết bài văn này, được tung tăng cắp sách tới trường, vui cùng bạn bè thầy cô. Và tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt tôi. “Cháu sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để không phụ công của ông. Cháu mơ ước sau này sẽ thi đỗ vào trường y, làm bác sĩ để cứu giúp được nhiều bệnh nhân như ông. Và cháu sẽ truyền nghị lực và niềm tin tới những đứa trẻ không may mắc bệnh hiểm nghèo, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, ông ạ”!

LTS: Bùi Vinh Hiếu - lớp 8A2 - trường THCS thị  trấn Cầu Diễn - Từ Liêm - Hà Nội là một cậu học trò nhỏ bé, nhanh nhẹn, có tư chất thông minh. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố làm bảo vệ, mẹ bán nước ở vỉa hè nhưng cả hai anh em nhà Hiếu đều là học sinh giỏi, ngoan ngoãn, hiếu thảo. Trong một bài văn, em đã viết bằng những cảm xúc suy nghĩ rất thực từ đáy lòng mình. Bài văn của em cũng là một câu chuyện đời đã chạm đến trái tim người đọc. Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu bài văn - câu chuyện của em Bùi Vinh Hiếu.