Ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

ANTD.VN - Cuộc chiến thương mại bắt đầu từ tháng 7-2017 khi Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận trong cân bằng thương mại. Đến ngày 13-5, Bắc Kinh thông báo sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 20-25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có giá trị 60 tỷ USD. Đây được coi là hành động đáp trả từ Trung Quốc đối với tuyên bố hôm 10-5 của Tổng thống Mỹ D. Trump.

Thỏa thuận bất thành, Mỹ tuyên bố tăng thuế

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây trở nên bế tắc sau các đợt tăng thuế quan mới "ăn miếng, trả miếng".

Sự kiện mới đây nhất tạo ra "bóng đen" thương mại toàn cầu là việc Tổng thống D. Trump (10-5) tuyên bố áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.

Trước động thái trên, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả, chỉ rõ việc leo thang căng thẳng thương mại không phù hợp với lợi ích hai nước và người dân trên thế giới; bày tỏ lấy làm tiếc về việc này. Được biết, đợt áp thuế diễn ra trong bối cảnh phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán thương mại vòng thứ 11 tại Washington DC.

Ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Trong khi đó, người phát ngôn Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice cảnh báo những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với kinh tế toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính của lần đánh thuế này là do Trung Quốc (3-5) đã bất ngờ đưa ra bản dự thảo mới (dài 150 trang) thay đổi nội dung cốt lõi hai nước đã đạt được trong 10 vòng đàm phán vừa qua. Theo đó, trong 7 chương của dự thảo thỏa thuận, Trung Quốc tự xóa phần cam kết điều chỉnh các điều luật liên quan đến hàng loạt vấn đề như: (1) tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại; (2) cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ; (3) luật cạnh tranh mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận khu vực dịch vụ tài chính và chính sách tiền tệ.

Đây được cho là điều mà Mỹ chưa từng áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào, bởi kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đang ở mức 600 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc chỉ ở mức hơn 100 tỷ USD. Do vậy, ông Trump tuyên bố: “Nếu Trung Quốc không muốn thanh toán tiền thuế” thì “thời kỳ mua hàng hóa của Trung Quốc cũng sẽ không còn nữa”. 

Ngày 15-5-2019, Tổng thống D. Trump quyết ra tay chống lại Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là một trong những niềm tự hào của Trung Quốc. Động thái này của Nhà Trắng được đánh giá là có thể xóa bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc từ trước đến nay.

Do vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2019 đã bị đẩy lên một mức độ mới, nguy hiểm hơn, khiến cơ hội để hai cường quốc kinh tế có thể ngồi lại với nhau và đi đến thống nhất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Những nguyên nhân cụ thể

Diễn biến cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung phức tạp chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc bất ngờ rút lại cam kết đã đàm phán khi:

Thứ nhất, vị thế của Trung Quốc tốt hơn thời điểm tháng 12-2018. (1) Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% trong quý I năm 2019, tương đương quý IV năm 2018, ngành nông nghiệp tăng 2,7%, ngành công nghệ tăng 6,1% và ngành dịch vụ tăng 7%. (2) Tổng giá trị bán lẻ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018; đầu tư toàn xã hội tăng trưởng 6,3%; cả nước tạo thêm 3,24 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,2%.

Ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 2

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thế giới

Thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chính quyền Bắc Kinh có lập trường tư tưởng rất vững chắc, không có dấu hiệu lùi bước trước những thách thức do Mỹ tạo ra. Trọng tâm của Bộ Chính trị Trung Quốc đã thay đổi trong 2 tháng qua, cuộc họp mới nhất đã không tập trung vào vấn đề ổn định kinh tế như hồi tháng 2-2019; có thể do nhà lãnh đạo cảm thấy "thiệt hại" từ một thỏa thuận thất bại và thuế quan cao hơn của Mỹ đang giảm dần khi các kế hoạch kích thích kinh tế đang được thực hiện.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình mạo hiểm nhượng bộ trong năm có nhiều sự kiện kỷ niệm mang tính biểu tượng của Trung Quốc cần phải được cân nhắc (năm 2019 kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và 30 năm sau sự kiện Thiên An Môn).

Thứ ba, Mỹ kiên quyết, quyết liệt không muốn thay đổi các thỏa thuận đã đạt được là chính quyền Trump tự tin vào sức mạnh kinh tế Mỹ và vị thế để gây sức ép với Trung Quốc. Kinh tế Mỹ trong quý I năm 2019 tăng trưởng ấn tượng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ 3 năm qua, dự kiến không nâng lãi suất trong năm 2019. Cụ thể: (1) Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% trong quý I năm 2019; tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%, mức thấp nhất trong 50 năm qua; (2) Tổng thống Mỹ D. Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ là 46%, tăng đáng kể so với mức 39% hồi đầu tháng 3-2019 và là mức cao nhất từ trước tới nay trong nhiệm kỳ của ông.

Tác động tiêu cực đối với toàn cầu

Theo IMF, trong bối cảnh Mỹ-Trung chơi "ăn miếng, trả miếng" như hiện nay, hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm từ 30-70% trong dài hạn, tổn thất GDP thực tế hàng năm từ 0,3-0,6 đối với Mỹ và 0,5-1,5 đối với Trung Quốc.

Ảnh hưởng của việc áp thuế với Trung Quốc lớn hơn vì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc so với chiều ngược lại. Các ngành sản xuất hàng điện tử, các ngành chế tạo khác của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi ngành nông nghiệp của Mỹ sẽ suy giảm đáng kể.

Tình trạng các doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc và Mỹ sang Mexico, Canada và Đông Nam Á sẽ xảy ra và những thay đổi như vậy sẽ làm mất một số lượng lớn việc làm ở Mỹ và Trung Quốc, dự kiến 1% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thiết bị giao thông vận tải của Mỹ mất việc làm, con số này là 5% với các ngành chế tạo của Trung Quốc.

Mặc dù một số nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, có thể được hưởng lợi từ việc chuyển hướng các hoạt động thương mại và đầu tư (chính Tổng thống Mỹ D. Trump cũng nói rõ điều này trên trang Twitter cá nhân), những tranh chấp thương mại Mỹ-Trung sẽ dẫn đến những bất ổn, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư và thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, tác động tiêu cực đến hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Dự báo, trong thời gian tới, bên cạnh chính sách thuế quan - vốn sẽ gây tổn thương cả cho nền kinh tế đang cần nhập khẩu công nghệ của mình - Trung Quốc hoặc sẽ sớm phải nhượng bộ trước Mỹ hoặc sẽ phải sẽ phải vận dụng đến những lá bài khác bao gồm cả việc sử dụng dự trữ ngoại hối để "trị thương, dưỡng bệnh" và can thiệp vào tỷ giá hối đoái - một công cụ điều tiết xuất nhập khẩu - nếu tình trạng chiến tranh kéo dài.