Án kinh tế, án tham nhũng xử treo còn nhiều

ANTĐ - ĐBQH Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), cho rằng các vụ án kinh tế, tham nhũng còn xử treo nhiều, gây hoài nghi trong nhân dân.

ĐBQH Đỗ Thị Hoàng (trái) chất vấn Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình

Trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay (14-6), ĐBQH Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng trong các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng, tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

Bà đặt câu hỏi: “Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đề nghị đồng chí Viện trưởng cho biết đã chỉ đạo ngành kiểm sát có biện pháp gì để xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay?”

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với đánh giá của đại biểu Hoàng: “Quả thực án kinh tế xử treo cũng nhiều, như vậy tạo ra suy nghĩ là chúng ta khi đấu tranh đã không quyết tâm chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế. Về án kinh tế và án tham nhũng, tính đến thời điểm này, số lượng xử án treo  bình quân là 30,8%, cao hơn các loại án khác, bình quân là 21%.”

Tuy nhiên vị Viện trưởng khẳng định ngay: Mặc dù số lượng cao, nhưng chúng tôi cũng thống nhất với khẳng định của đồng chí Chánh án tòa án nhân dân tối cao khi trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định, tất cả các vụ xử án treo đều áp dụng đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có kháng nghị trong kỳ 39 trường hợp, tòa án đã chấp nhận tăng hình phạt 26 trường hợp, những vụ còn lại thì đang xem xét.

Về giải pháp khắc phục tình trạng án kinh tế, tham nhũng treo nhiều, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói: Phải kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Chúng tôi yêu cầu đối với vụ án tham nhũng mà cấp dưới đề xuất án treo thì phải trình lên cấp trên để kiểm tra, trong trường hợp tòa tuyên xử án treo không phải là đề nghị của ngành thì phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị 

"Đối với án tham nhũng chủ yếu là những người có chức, có quyền phạm tội, vì thế hầu hết đều có nhân thân tốt. Nhưng đây không được xem như là tình tiết giảm nhẹ và phạm tội một lần cũng vậy, không thể tham nhũng rồi lại tiếp tục làm lãnh đạo để lại phạm tội tiếp. Cho nên, chúng tôi chỉ đạo là hai tình tiết này không được phép áp dụng trong đề xuất của Viện kiểm sát đối với tội phạm tham nhũng".

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình