Sống trên mồi lửa

Ẩn họa cháy hầm để xe các tòa chung cư

ANTĐ - Vụ cháy tầng hầm để xe khu nhà A, chung cư 17 tầng (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cách đây 4 năm, đã thiêu rụi 2 xe ô tô, làm 9 chiếc khác hỏng nặng. Giả thiết về một vụ xe tự cháy trong tầng hầm chung cư xảy ra thời điểm này, thiệt hại chắc chắn còn nặng nề hơn.

PCCC hầm để xe, có cũng như không

Hiện trường vụ cháy hầm để xe chung cư An Sinh năm 2008

Đánh giá của lực lượng PCCC Hà Nội, chữa cháy ở tầng hầm rất khó khăn bởi đây là khu vực kín, khó thoát khói và tập trung nhiều chất dễ cháy. Có thể thấy rõ điều này qua vụ cháy tầng hầm tòa nhà Trung tâm điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam (phố Cửa Bắc, quận Ba Đình). Hỏa hoạn xảy ra khi tầng hầm tòa nhà 33 tầng đang trong quá trình hoàn thiện, bên trong chưa hề chứa phương tiện. Thế nhưng, chỉ cần lửa bén vào lớp cách nhiệt, dây điện đã tạo ra một lượng khói khủng khiếp, “nuốt chửng” tòa cao ốc trong nhiều giờ, khiến hàng chục công nhân mắc kẹt. 

Trở lại vụ cháy chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, xảy ra tháng 2 vừa qua, hỏa hoạn bùng phát tại buồng kỹ thuật điện tầng 2, cũng là tầng trông giữ xe máy của cư dân. Rất may trong vụ cháy này, lửa không bén vào khu vực để xe sát đó, mà cháy thông tầng lên cao. Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, tầng hầm chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh - dành trông giữ ô tô, lâu nay rơi vào tình trạng quá tải, bởi đơn vị quản lý tòa nhà còn nhận trông giữ cả phương tiện bên ngoài. Quá tải là vậy, nhưng hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động tại hầm để xe đã tê liệt nhiều năm, không được sửa chữa, thay thế. Sau vụ hỏa hoạn, người dân đã kiến nghị đơn vị quản lý tòa nhà sửa chữa, khôi phục hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.

Chung cư gắn “mác” hiện đại đã vậy, khu vực để xe ở nhiều nhà tái định cư còn thê thảm hơn. Tại chung cư B3 Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hệ thống PCCC của 6 tầng nhà hư hỏng hoàn toàn. Theo phản ánh của người dân nơi đây, gần khu vực để xe, đơn vị quản lý chung cư từng cho thuê mở bán bún, phở với gần chục bếp than tổ ong đỏ lửa hàng ngày. Sau nhiều lần kiến nghị, tình trạng trên đã được dẹp bỏ, tuy nhiên, ghi nhận của PV ANTĐ ở khu để xe chung cư này, ai đó vẫn chiếm dụng  làm nơi thắp hương thờ cúng, vi phạm các quy định về PCCC.

“Mất bò” chưa lo “làm chuồng”

Gần 4 năm sau vụ cháy tầng hầm nhà A, chung cư 17 tầng - nay là chung cư An Sinh (thị trấn Cầu Diễn), PV ANTĐ đã trở lại hiện trường vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Theo ông Nguyễn Văn Đối - tổ trưởng tổ dân phố 20, khu chung cư An Sinh: Hỏa hoạn tại tầng hầm để xe chung cư này được xác định do sự cố chập điện chiếc ô tô hiệu BMW. “Đáng tiếc, lực lượng bảo vệ tòa nhà ứng trực ban đêm quá mỏng, lại không được tập huấn xử lý tình huống cháy hầm để xe, nên họ bất lực nhìn hỏa hoạn bùng phát” - nhân chứng nhớ lại.

Theo ghi nhận của cơ quan PCCC Hà Nội, đây là vụ cháy tầng hầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Vậy nhưng, theo người dân sống ở chung cư, công tác PCCC tòa nhà 17 tầng này suốt những năm qua vẫn không hề được ban quản lý, chủ đầu tư nâng cấp, mà ngày càng rơi rụng, hỏng hóc đi. Đường ống dẫn nước của hệ thống chữa cháy vách tường trong tòa nhà rò rỉ từ tháng 4-2010, đã kích hoạt các máy bơm chữa cháy phun nước phè phè. “Không có biện pháp thay thế, sửa chữa, ban quản lý tòa nhà nghĩ ra cách ngắt luôn điện máy bơm cứu hỏa”. Sau rất nhiều lần gửi công văn kiến nghị, tháng 3-2011, các đoạn ống dẫn nước hỏng được sửa chữa, chắp vá tạm bợ. Nước  dù “đẩy” lên tầng 17, song áp lực đầu vòi không đủ mạnh, vì nếu đúng tiêu chuẩn, đường ống dẫn nước sửa chữa trước đó sẽ lại bục, vỡ - ông Đối cho hay.

Cháy tầng hầm để xe là mối lo lớn nhất của cư dân tòa nhà này. So với thời điểm xảy cháy, tầng hầm này chưa được trang bị, lắp đặt thêm hệ thống PCCC nào đáng kể, ngoài vài ba chiếc bình bọt xách tay. “Trên 220 hộ dân chung cư An Sinh đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động, màng nước ngăn cháy trong hầm để xe rộng trên 1.000m2, theo đúng các quy định của pháp luật, nhưng không hiểu sao họ chẳng để ý” - ông Nguyễn Văn Đối nói. Chưa hết, lực lượng bảo vệ ứng trực tại chung cư này thường xuyên thay đổi, có khi 6 tháng/lần, nên việc huấn luyện PCCC chỉ còn là hình thức. 

(Còn nữa)