- Trưng bày các tác phẩm gốm do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ
- Ra mắt tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "Anh hùng còn chi"
- “Về Nguyễn Huy Thiệp: Ngọn núi sừng sững cô đơn”
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là cây bút văn chương đương đại, nổi tiếng với những tác phẩm được đánh giá là đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn như Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát... Ông được trao Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp năm 2007 và giải thưởng Premio Nonino của Italy năm 2008.
Trong tập tiểu luận - phê bình này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bàn về nhiều vấn đề trong lý luận - phê bình và sáng tác văn học, như sứ mệnh của nhà văn, giá trị và cái đẹp của văn chương, các thể loại văn học... Đặc biệt, ông nêu ra nhiều nhận xét và góp ý về tình hình văn chương trong nước hiện tại, về những cơ hội và khó khăn, những điều cần cải thiện… Đó là những nhận xét cá nhân thẳng thắn, gai góc, mà có chỗ ông gọi là nói “trắng phớ” ra những điều mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra. Ngoài ra, ông còn viết về những người đồng nghiệp, những bạn văn bạn thơ mà ông quý trọng.
![]() |
Tiểu luận-phê bình "Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và..." do NXB Trẻ tái bản, có bổ sung bài viết mới. Trước đây, một số bài viết trong tập này từng được xuất bản với tên gọi "Giăng lưới bắt chim" |
Với những ý kiến và nhận định của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định: “Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý, tôi chỉ nêu ra những suy nghĩ “nhầm lẫn” để mọi người trong giới văn học xem xét mà thôi.” Có lẽ ông mong muốn những suy nghĩ của mình có thể góp một phần nào đó để văn học nước nhà phát triển hơn, thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ của nó, và có được một vị thế xứng đáng trong xã hội.
Như nhiều người cầm bút khác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp suy ngẫm nhiều về nhiệm vụ, chức năng, hay “thiên chức” của văn học - mà ông cho rằng không nên đề cao quá mức, để sinh ra sự “sùng bái, sợ hãi”.
Ở mức độ cơ bản nhất, ông cho rằng “văn học là khoa học về con người”. Môn khoa học đó cần phải hướng con người vươn tới những điều tốt đẹp: Viết về cuộc sống, viết về con người cũng là để tìm ra những “lẽ đời” thật đẹp và giản dị làm “tấm gương soi chung” cho mọi người. Đấy cũng là sứ mạng. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng.
![]() |
Các tác phẩm nổi tiếng từng xuất bản trong nhiều năm qua của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Trên hết, ông tin rằng văn học có khả năng thôi thúc và thức tỉnh con người: Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy. Nó là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó, nó viết để cả bầy đoàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hóa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tin tưởng vào sức mạnh của văn học, tin rằng bằng cách riêng của nó, văn học góp phần vào tiến bộ xã hội. Gạt sang bên sự nhếch nhác của hiện thực, nhặt ra những mảnh vụn sang trọng trong tư tưởng nhà văn, cưu mang nó, đấy chính là tiến bộ. Loài người đã nhích từng tí một đến chân lý nhờ những hạt vàng tư tưởng ấy. Nó cứu cuộc đời theo cách riêng của nó.
Để văn học thực hiện được những nhiệm vụ và sứ mệnh như trên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng người sáng tác phải gửi gắm vào tác phẩm những tư tưởng và tình cảm lớn mạnh, cao cả. Đó là “muối”, là “lòng tín ngưỡng với sự sống”, là sự “hướng thượng”, là “đạo”. Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Nhưng “đối với nhà văn không có lòng tín ngưỡng với sự sống thì những trang viết của anh chỉ có thể dừng ở mức độ viết kiếm ăn thôi chứ nâng lên được tầm văn hóa thì còn lâu mới với tới.”
Bên cạnh đó, tác giả còn chia sẻ nhiều kiến giải của riêng ông về một số thể loại văn học như truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết. Truyện ngắn, theo ông, là “viết dễ, khó thành, ít “đứng được”, có tính chất “ăn ngay”, “thời sự”, ví như những vũ khí “mi-ni””. Tiểu thuyết là thể loại “ăn tạp”, “dễ dàng hơn, thênh thang hơn”, phù hợp với thời đại mà văn học đã trở nên “dân chủ” hơn. Thơ “thật cao quý”, “biểu hiện sự thật”, nhưng cũng có phần “tráo trở và mập mờ”. Nhà văn thảo luận nhiều về cách thức thể hiện của mỗi thể loại, nhưng ông cũng cho rằng sự phân chia thể loại chỉ là tương đối, và điều quan trọng là người sáng tác có “nội dung” gì để kể với mọi người.
![]() |
Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) sinh ở Thái Nguyên, nguyên quán Thanh Trì, Hà Nội |
Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra nhiều nhận xét bén nhọn về tình hình văn học ở nước ta hiện tại. Ông khẳng định “Chưa bao giờ văn học ở ta có những cơ hội lớn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ”. Hầu hết chúng ta đều thấy như văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng.
Ngoài ra, ông còn chỉ ra nhiều vấn đề về đào tạo nhà văn, về cách tổ chức hội nhóm nhà văn, về thái độ của xã hội đối với văn học, về cách đánh giá của cơ chế thị trường đương đại với nghệ thuật: “nghệ thuật phải bán được”.
Từ đó, ông nêu ra một số gợi ý và đề xuất để nền văn học của nước ta phát triển hơn nữa, mà cho đến nay vẫn có tính thời sự. Trong thời hiện đại, công việc đào tạo nhà văn là rất cần thiết, cần phải xây dựng thành một “công nghệ”. Nâng cấp cho trường đại học viết văn Nguyễn Du, để nó gần với thiên nhiên hơn, gắn bó với xã hội hơn là rất cần thiết (chứ không phải là nhốt nó trong một ngôi nhà chật hẹp giữa Thủ đô). Có lẽ đã đến lúc người ta phải nghĩ đến một tuýp nhà văn khác (ko phải tự phát, nỗ lực cá nhân, năng khiếu): lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm.
Nhà văn đặc biệt nhấn mạnh rằng tạo điều kiện cho nền văn học phát triển là trách nhiệm của toàn xã hội.
Ngoài những vấn đề văn học và thực tiễn văn học, nhà văn còn dành một phần khá lớn trong cuốn sách đề viết về những bạn văn bạn thơ mà ông trân trọng: Lê Kim Giao - “tên nghiện văn chương”, “nhà thơ dân gian” Nguyễn Bảo Sinh, bút pháp “túy quyền” của Nguyễn Việt Hà, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ lục bát Đồng Đức Bốn, nhà thơ Vi Thùy Linh, nhà thơ Trần Đăng Khoa,... và một số nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, hội họa. Ông phân tích tác phẩm của họ, đóng góp của họ, nét riêng của họ, và dành sự quý mến cho những con người đã cống hiến tài hoa và tâm huyết của mình cho nền thơ văn, nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà.
Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) sinh ở Thái Nguyên, nguyên quán Thanh Trì, Hà Nội (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân). Ông nổi danh ở thể loại truyện ngắn, là cây bút tiêu biểu nhất của giai đoạn Đổi Mới.
Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó đi dạy học trên vùng cao gần mười năm, cho đến năm 1979 ông mới quay trở lại Hà Nội.
Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu khá muộn khi các truyện ngắn, dưới ngòi bút sắc lạnh, được đăng trên báo Văn Nghệ vào nửa cuối thập niên 80. Ngay sau đó, giới văn học trong lẫn ngoài nước dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa về các tác phẩm của ông.
Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, thơ, tiểu luận phê bình gây tiếng vang.