Ăn gì bổ nấy

ANTĐ - Một chiều oi bức. Tôi kiểm kê túi. Yên tâm, đủ cho ba cốc bia hơi và một đĩa lạc luộc. Tôi hăm hở tiến về phía quán bia hơi lộ thiên mang cái tên rất dễ nhớ "Bia Vui". 

Xôm trò nhất quán là các bàn nhậu đặt dưới mấy gốc bằng lăng tím. Tôi liếc sang, a, chắc là một đại gia nào đó khao đám bạn bè, con nhang đệ tử của mình. Cũng chả có gì đặc biệt lắm ngoài cái món “lợn sữa quay chim xôi” - lợn sữa quay ăn với xôi nắm chim chim! Cái khiến tôi chú ý nằm ngay ở chỗ cách người ta bài trí món này. Chú lợn sữa chừng mười lăm hai mươi cân, được quay giòn bóng nhoáng lá bì màu cánh gián, chặt xong rồi xếp những lát thịt lại thành nguyên con, đủ cả đầu đuôi tai mắt và tứ chi không thiếu đi đâu cái nào, với cái đuôi cong vênh vểnh lên trông sinh động như chú lợn ăn no nằm co ủn ỉn. Đã thế, “chú” lại nằm vào giữa cái mẹt xôi đã được "chim chim" lại đều tăm tắp và cũng mịn mượt chỉ kém “nước da” bóng bẩy của chú lợn sữa đôi phần. Có khác chăng thì chú lợn bóng lên màu nâu cánh gián còn chim chim xôi thì đương nhiên vừa trắng lại vừa tròn, trông cực kỳ ngon mắt mà ăn vào thì thôi, chả biết tả thế nào, thôi thì cứ đơn giản là… hết xảy con mẹ bảy! 

Tôi để ý thấy rất nhiều thực khách vây quanh món “lợn sữa quay chim chim xôi”, nhưng lạ một điều, thực khách chỉ ăn phần thân còn đầu, tai gần như để nguyên?

 Buổi tiệc càng về cuối, khi các thực khách đã khá no nê cả hai khoản uống và ăn, thì càng xôm trò. 

Tôi để ý thấy một người có vẻ vừa thâm trầm pha chút kiêu kiêu, từ đầu đến cuối tiệc, chỉ đi đi lại lại, ăn rất ít, nói cũng rất ít, chỉ uống bia và quan sát thực khách ăn uống chúc tụng nhau. Nhìn qua cử chỉ, cung cách của anh, có cảm giác như mọi hành động của đám thực khách được coi là VIP đều không lọt qua cặp mắt của anh. Và anh ta đang đau đáu điều gì đó đằng sau cái sự ăn uống linh đình ồn ĩ này.

Một lúc sau, tôi thấy anh ta tiến đến gần một bàn tiệc, trên đó còn chỏng chơ cái đầu chú lợn sữa đặt giữa mẹt, xôi chỉ còn sót lại vài cái chim chim. Anh cầm con dao nhỏ, đầu tiên cắt lấy đôi cái tai vênh vểnh của chú lợn, anh ăn ngon lành. Sau đó cắt lấy cái mũi hênh hếch của chú lợn, cũng ăn ngon lành. Cuối cùng, lấy thìa múc con mắt, bỏ vào miệng đũa cắt lấy cái đuôi cong cong như còn muốn ngoe nguẩy của chú lợn, anh ăn xem chừng cũng chẳng kém ngon lành gì so với việc ăn mũi và ăn tai. Tôi mới ọ ẹ lại gần…

- Thưa anh, tôi hỏi khí không phải, xin anh bỏ quá cho, nãy giờ tôi quan sát thấy anh rất lạ…

- Vâng, xin bác cứ tự nhiên…

- Nãy giờ thấy anh cứ đi đi lại lại, chỉ uống và uống, nhưng đến lúc thấy cung cách anh “xử lý” chú lợn sữa rất đặc biệt, tôi hơi bị nể, cũng muốn học theo. Nhưng xin hỏi thực, hình như anh ăn nhưng bụng lại không nghĩ đến chuyện ăn?

Vị khách vụt thay đổi thái độ, hơi hạ giọng:

- Người xưa bảo, ăn gì bổ nấy, ăn mắt tinh mắt, ăn lưỡi bổ lưỡi, ăn tai thính tai, ăn mũi thính mũi...

Tôi bất giác hỏi nhỏ:

- Để làm gì hở anh?

- Tinh mắt hơn ta sẽ nhìn thấy cả những cảnh tượng không vui. Lưỡi khỏe hơn để ta nói cả những điều bình thường ta không dám nói sợ ai đó mất lòng. Thính tai hơn ta sẽ nghe thấy cả những âm thanh ta không chờ đợi, thính mũi hơn ta sẽ ngửi thấy cả những cái mùi chẳng thơm tho lắm...  Nhưng dù vậy ta vẫn phải nhìn, phải nghe, phải ngửi để hiểu rằng cái cuộc đời mà ta đang sống đây không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, tráng lệ, êm ái, du dương và ngát hương... Và không phải lúc nào "im lặng cũng là vàng". Có lúc phải nói, thậm chí phải hét lên vì phẫn nộ, trước những gì xấu, những gì hạ thấp phẩm giá con người!

Nghe đến đây, tôi giật mình thon thót. Hóa ra đằng sau mỗi vẻ ồn ào, xô bồ và tếu táo, hình như những con dân Hà Nội bình thường đang tụ bạ ăn uống, chuyện trò kia vẫn canh cánh những nỗi niềm ưu tư nào đó?