Ấn Độ và Pháp chung sức nghiên cứu một loại tên lửa "đặc biệt"

ANTĐ - Tổ chức Nghiên cứu và phát triển Quốc phòng nhà nước Ấn Độ (DRDO) sẽ hợp tác với một công ty của Pháp thuộc Tập đoàn tên lửa châu Âu cùng nghiên cứu và chế tạo hệ thống tên lửa đất đối không (SRSAM), để thỏa mãn yêu cầu của hải quân Ấn Độ, cũng như hải quân các nước khác.

Ấn Độ và Pháp chung sức nghiên cứu một loại tên lửa "đặc biệt" ảnh 1Hệ thống tên lửa AKASH của Ấn Độ

Tên lửa SRSAM sẽ thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không Barak-1 của Israel và pháo phòng không tầm gần AK-630, AK-630M của Nga sản xuất.

Năm 2013, DRDO đã ký bản ghi nhớ chung với Tập đoàn sản xuất tên lửa MBDA của Pháp về nghiên cứu chung một loại tên lửa kiểu mới, nhưng do công năng của tên lửa mới so với tên lửa Akash của Ấn Độ không có gì khác biệt, cho nên dự án này buộc phải “đút vào ngăn kéo”.

Còn SRSAM – loại tên lửa mới được hai nước hợp tác nghiên cứu và phát triển là loại tên lửa “đặc biệt”, có tốc độ bay lên đến mach 3, nặng khoảng 100kg, tầm bắn đạt 40km. Nó được nghiên cứu để trang bị cho lực lượng hải quân, cũng như lực lượng phòng không; sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng, phạm vi phòng vệ có thể đạt được 360 độ.

Một hệ thống SRSAM hoàn chỉnh sẽ gồm có: Thiết bị phóng, hệ thống radar và hệ thống điều khiển chiến đấu. Nó được sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn không khói. Khi sử dụng 1 động cơ tỷ lệ thành công trong đánh chặn của loại tên lửa này đạt 70%, còn khi sử dụng hai động cơ, tỷ lệ thành công là 80%.

Tên lửa SRSAM có khả năng đối phó với các máy bay tốc độ nhanh, tên lửa chống hạm tốc độ siêu âm, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.