Ấn Độ ứng phó với nạn thả thi thể trôi sông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cảnh sát ở miền Bắc Ấn Độ đang điều tra và vận động nhân dân nhằm giảm thiểu tình trạng chôn cất thi thể trong những ngôi mộ cát nông hoặc thả trôi trên sông Hằng, trong bối cảnh cư dân mạng xã hội đồn đoán rằng đó là thi thể của nạn nhân Covid-19.
Cảnh sát ở Buxar, bang Bihar, Ấn Độ ứng trực tại khu vực phát hiện thi thể dạt vào bờ sông Hằng

Cảnh sát ở Buxar, bang Bihar, Ấn Độ ứng trực tại khu vực phát hiện thi thể dạt vào bờ sông Hằng

Cảnh sát vào cuộc điều tra

Cuối tuần trước, mưa lớn làm lộ ra những thi thể được chôn trong những ngôi mộ cát cạn trên một bờ sông ở Prayagraj, một thành phố thuộc bang Uttar Pradesh. Ở huyện lân cận Ghazipur thuộc bang Uttar Pradesh, người dân phát hiện 12 xác chết trôi trên sông ở thượng nguồn. Các cơ quan y tế tuần trước cũng đã vớt được 71 thi thể trôi dạt vào bờ sông Hằng ở Buxar, bang Bihar.

Người dân ở cả Ghazipur và Buxar đều phủ nhận rằng những thi thể này thuộc về cư dân địa phương. Các nhà chức trách đã khám nghiệm tử thi nhưng cho biết họ chưa thể xác nhận nguyên nhân. Cảnh sát bang Bihar một mặt triển khai máy bay không người lái tại các bờ sông, mặt khác điều các thuyền tuần tra kêu gọi người dân không vứt xác người xuống sông. “Chúng tôi ở đây để giúp các bạn thực hiện những nghi thức cuối cùng”, cảnh sát đi trên xe jeep và thuyền sử dụng loa di động nói với người dân.

Hai bang lớn của Ấn Độ, Uttar Pradesh và Bihar, với tổng số gần 358 triệu người, nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đợt dịch thứ ba bùng phát. Trên khắp Ấn Độ, 13 tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 ở khu vực nông thôn cao hơn so với thành thị. Quá trình người dân nông thôn chiến đấu giành giật sự sống trong điều kiện không có cơ sở hạ tầng thích hợp, đã có một số lượng lớn ca tử vong không được báo cáo. Các cơ sở hỏa táng ở vùng nông thôn đang hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, quan chức địa phương phủ nhận chuyện người dân không có tiền hay thiếu gỗ để hỏa táng nên phải thả xác trôi sông. Mặc dù vậy, một số phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết, chi phí hỏa táng đã tăng gấp 3-5 lần, lên tới 15.000 rupee (210 USD).

Kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ cho biết, theo tập tục của một bộ phận người dân miền Bắc nước này, thay vì chôn cất hay hỏa táng, họ đào mộ bên bờ sông hoặc thả xác xuống sông Hằng, dòng sông linh thiêng nhất trong Ấn Độ giáo. Người ta tin rằng việc thả người chết trên sông sẽ mang lại cho họ sự bình yên lâu dài và phá vỡ vòng tuần hoàn luân hồi.

Nỗi lo ô nhiễm nguồn nước

Trước đồn đoán rằng phần nhiều những thi thể đó là bệnh nhân Covid-19, dư luận đặt câu hỏi: Những xác chết này đến từ đâu? Đây có phải là hành vi che giấu một đợt dịch bùng phát khác? Và câu hỏi quan trọng nhất, việc này có làm đại dịch lây lan thêm không? Mặc dù việc thả trôi sông các nạn nhân nghi là tử vong vì Covid-19 gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng, nhưng các chuyên gia y tế và môi trường cho rằng điều đó không gây tác động đáng kể đến sức khỏe con người. Lý do là virus SARS-CoV-2 không tồn tại trong máu của những bệnh nhân bị nhiễm bệnh và do đó, nó hầu như không lây nhiễm cho động vật và chim ăn xác chết.

“Dòng sông Hằng đã bị ô nhiễm và việc bổ sung thêm lượng vi khuẩn gần đây sẽ chỉ làm tăng thêm mức độ ô nhiễm của nó. Tuy nhiên, nó sẽ không lây lan bệnh, từ đó gây tác hại cho sức khỏe của những người không tiếp xúc với xác chết.”, tờ Times of India trích lời ông Ravindra Kumar Sinha, chuyên gia về môi trường nói.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Patna, Tiến sĩ Rajiv Ranjan Prasad, cho biết việc thả xác của những bệnh nhân nghi là Covid xuống sông chắc chắn là một mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Nhưng động vật và chim ăn những xác chết đó sẽ không bị nhiễm virus vì từ trước đến nay virus chỉ lây truyền từ người sang người và nước không phải là con đường lây truyền virus SARS-CoV-2.

Ngày 18-5, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã vượt mốc 25 triệu người, trong khi số ca tử vong tăng kỷ lục 4.329 ca. Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ vượt qua cột mốc nghiệt ngã đó. Mặc dù số ca mắc hàng ngày ở Ấn Độ đã bắt đầu giảm vào tuần trước, các chuyên gia cho biết không có gì chắc chắn rằng đại dịch ở nước này đã lên đến đỉnh điểm do sự xuất hiện của biến thể B.1.617 mới dễ lây lan hơn.