Ấn Độ tự phát triển tên lửa đất đối không tầm ngắn mới

ANTĐ -  Ấn Độ đang nghiên cứu một loại tên lửa đất đối không tầm ngắn (SRSAM) mới, có thể được sử dụng bởi cả hải quân, do lực lượng này vừa từ chối tên lửa phát triển nội địa Akash.

Dự án nội địa này hiện đang trong giai đoạn khởi đầu và được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), hãng tin DNA cho hay.

Loại tên lửa mới sẽ có tầm bắn từ 25 đến 30km và được sử dụng bởi cả bộ binh, không quân và hải quân Ấn Độ.

Loại tên lửa mới này sẽ phóng thẳng đứng và đủ nhỏ để được trang bị trên tàu chiến  

Dự án này hoàn toàn độc lập với dự án liên doanh giữa DRDO và MBDA của Pháp nhằm phát triển một loại tên lửa mới sử dụng cho hải quân và vừa được thông qua vào hôm 31-3.

Không như tên lửa Akash, loại tên lửa mới sẽ có hộp phóng và được phóng thẳng đứng để phù hợp với các tàu hải quân. Những bệ phóng này có thể nằm sâu dưới boong tàu và tránh được radar của quân địch.

“Thực tế là các tên lửa này là loại phóng thẳng đứng và phản ứng nhanh, điều có thể giúp hải quân tấn công các mục tiêu ở mọi hướng với độ linh hoạt cao”, một nguồn tin từ nội bộ DRDO cho hay.

Thùng phóng của loại tên lửa mới cũng sẽ hấp thu phần lớn năng lượng toả ra của tên lửa trong quá trình phóng, điều sẽ tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho thuỷ thủ đoàn vận hành chiếc tàu chiến.

Những thông tin về tên gọi, chi phí và khung thời gian hoàn thành loại tên lửa này chưa được tiết lộ vào thời điểm hiện tại.

Ấn Độ đã có những thùng phóng tên lửa tầm xa như BrahMos hay Agni, tuy nhiên, yêu cầu của hải quân là một loại tên lửa tầm ngắn và phản ứng nhanh.

Tên lửa đất đối không tầm trung Akash đầu tiên được phát triển để đáp ứng nhu cầu của bộ binh nhưng sau đó một phiên bản không quân cũng đã ra đời. Mặc dù vậy, hải quân Ấn Độ lại cho rằng nó không hợp với tàu chiến.

Trong khi đó, hải quân Ấn Độ cũng đang chuẩn bị trang bị cho các tàu chiến của mình hệ thống tên lửa phòng không Barak-8 vào cuối năm nay.

DRDO hiện đang hợp tác với hãng MBDA của Pháp trong 9 dự án SRSAM khác nhau, đặc biệt trong số đó có dự án SRSAM 'Maitri' trị giá 5 tỉ USD mới được hồi sinh sau khi nó đã không có bất kì tiến triển từ hồi 2007.