Ấn Độ, Trung Quốc và Iraq nhập khẩu hơn 2/3 vũ khí Nga trong năm 2014

ANTĐ - Do các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nên trong năm 2014, các quốc gia châu Á đã trở thành khách hàng nhập khẩu chính các trang thiết bị quân sự của Nga.

Theo báo cáo thường niên của tập đoàn quốc doanh Rostec, Ấn Độ, Trung Quốc và Iraq đã tiếp nhận phần lớn các loại vũ khí và thiết bị quân sự trong năm 2014 từ tập đoàn.

"Trang thiết bị quân sự đã được bàn giao cho 59 quốc gia. Các nước nhập khẩu chính của tập đoàn là Ấn Độ (25%), Trung Quốc (22%), Iraq (22%), Syria (5%), và Venezuela (5%). Về mặt địa lý, trang thiết bị quân sự chủ yếu được xuất khẩu sang châu Á (75%), châu Mỹ Latin (9%), và Trung Đông (7%)", báo cáo cho biết.

Báo cáo thường niên còn phản ánh rằng xuất khẩu quân sự cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã giảm mạnh, xuống còn 370 triệu USD trong năm 2014 so với 1,5 tỷ USD trong năm 2013.

Gian trưng bày của Rostec tại một triển lãm hàng không
Cũng theo bản báo cáo tài chính thường niên này, trong năm 2014, tập đoàn đã thực hiện tổng số 9.400 hợp đồng; tăng 54% so với năm 2013. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm gia tăng các công ty con của Rostec và có thể làm giảm sự hấp dẫn của các dự án của tập đoàn đối với các nhà đầu tư, bản báo cáo cho biết.

“Các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Liên bang Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã ảnh hưởng đến tập đoàn và các tổ chức trực thuộc, do đó, tập đoàn không nhận được tài trợ từ nước ngoài", báo cáo có đoạn viết.

Tập đoàn Rostec, chuyên giao dịch các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và vũ khí và trang thiết bị quân sự, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ cấm công dân và các tổ chức hợp pháp của Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính mới và cung cấp các khoản vay mới nào đối với (công dân và tổ chức hợp pháp) của Nga.

"Lệnh cấm này áp dụng đối với tất cả các công ty con, trong đó tập đoàn nắm giữ, một mình hoặc cùng với những người khác nằm trong danh sách trừng phạt, hơn 50% cổ phần", báo cáo cho biết.