Ấn Độ thử thành công tên lửa đối không siêu xa 100km Astra

ANTĐ - Hôm 4-5, lực lượng không quân Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa không đối không quốc nội “Astra”, chuyên dành cho loại máy bay tiêm kích Su-30MKI.

Kênh truyền hình ABN cho biết, lực lượng không quân Ấn Độ đang tích cực tiến hành các thử nghiệm đối với loại tên lửa do nước này tự thiết kế, để rút ngắn khoảng thời gian đưa Astra - một trong những tên lửa chiến đấu trên không tầm xa nhất trên thế giới, vào biên chế chính thức.

Thông báo cho biết trong quá trình phóng tên lửa, tất cả các nhiệm vụ đề ra đã được hoàn thành. Kế hoạch thiết kế tên lửa đã bị chậm trễ tới bốn năm do các thủ tục phức tạp và rối rắm của nước này. Theo dự định ban đầu, công việc thiết kế phải hoàn tất vào tháng 8-1012, nhưng đến nay nó vừa mới hoàn tất thử nghiệm phóng thực tế lần đầu tiên.

Tên lửa không đối không Astra có 2 phiên bản, trong đó Astra Mk1 có tầm bắn 44km và Astra Mk sẽ có tầm bắn "khủng" lên tới 100km. Không quân Ấn Độ dự định, đầu tiên sẽ trang bị loại tên lửa không đối không này trên máy bay chiến đấu Su-30MKI, sau đó là máy bay chiến đấu hạng nhẹ quốc nội HAL Tejas.

Ấn Độ thử thành công tên lửa đối không siêu xa 100km Astra ảnh 1

Máy bay chiến đấu Su-30MKI sẽ rất mạnh với 2 loại tên lửa BrahMos và Astra


Thử nghiệm thành công loại tên lửa do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phụ trách, đã đưa nước này trở thành nước thứ 5 trên thế giới có công nghệ sản xuất tên lửa tầm xa trên không. Hiện nay chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp có khả năng sản xuất loại tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu trên không vượt ngoài phạm vi tầm nhìn (90-120 km).

Kế hoạch phát triển Astra chính thức bắt đầu vào tháng 3 năm 2004, đã gặp phải những thách thức lớn về kỹ thuật, thậm chí còn phức tạp hơn cả một dự án phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Vấn đề khó giải quyết nhất về mặt công nghệ là hình dạng khí động học của tên lửa và các khớp nối trong hệ thống điều khiển.

Cuối cùng, các nhà thiết kế đã phải thay đổi hoàn toàn cấu hình của nó. Sau khi hoàn tất liên tiếp 3 cuộc thử nghiệm trên mặt đất, Astra mới chính thức vượt qua được nút thắt khó khăn nhất về mặt công nghệ. Sau đó, thử nghiệm tính năng bay của Astra trên máy bay chiến đấu Su-30MKI đã thành công lần đầu tiên vào tháng 4-2013.

Ấn Độ thử thành công tên lửa đối không siêu xa 100km Astra ảnh 2

Tên lửa không đối không tầm xa Astra


Thử nghiệm tính năng bay của tên lửa Astra chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu thử nghiệm kiểm tra các đặc tính của tên lửa khi máy bay chạy trên đường băng và bay thử, còn 2 giai đoạn sau đều được tiến hành trên máy bay chiến đấu Su-30MKI.

Giai đoạn 2 là kiểm nghiệm các đặc tính của tên lửa khi kết nối với hệ thống điều khiển hỏa lực trên Su-30MKI và kiểm tra sự kết nối của các hệ thống điện tử hàng không và hệ thống điện khí đối với tên lửa.

Giai đoạn 3 - cũng là giai đoạn cuối cùng sẽ được tiến hành để kiểm tra các modul thu, phát tín hiệu của đầu dẫn tên lửa trong nhiều tình huống và điều kiện bay khác nhau.

Hiện công tác thử nghiệm phát triển giai đoạn sau của nó đang được đẩy nhanh và sẽ tiến hành trên tất cả các loại máy bay hiện có, sau đó sẽ tiến hành các hiệu chỉnh cần thiết để có thể hoàn thành kế hoạch đến quý II năm 2015 sẽ chính thức đưa tên lửa vào trang bị cho lực lượng không quân nước mình.