Ấn Độ quyết ngăn chặn "quốc nạn" hiếp dâm

ANTD.VN - Trước sự giận dữ của người dân với nạn hiếp dâm tràn lan, trong phiên họp khẩn bàn về vấn đề đang làm nóng dư luận xã hội, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua sắc lệnh cho phép tử hình những kẻ hiếp dâm bé gái dưới 12 tuổi.

Ấn Độ quyết ngăn chặn "quốc nạn" hiếp dâm ảnh 1Người dân Ấn Độ biểu tình đòi chính phủ mahj tay hơn với nạn hiếp dâm

Tình trạng hiếp dâm tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ nhì thế giới, đang ngày một gia tăng. Trẻ em, phụ nữ Ấn Độ, thậm chí cả du khách nước ngoài, cũng trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công bạo lực. Thực trạng này đáng ngại đến mức báo chí thế giới từng gọi Ấn Độ là đất nước “yêu râu xanh”. 

Tin tức về các vụ hiếp dâm xuất hiện gần như mỗi ngày trên các tờ báo Ấn Độ. Theo số liệu thống kê do Chính phủ Ấn Độ công bố, trong năm 2016, có tới 40.000 vụ hiếp dâm trên khắp Ấn Độ, 40% số nạn nhân là trẻ em. Một con số thống kê khác cho thấy trong số gần 107.000 trường hợp tội phạm về trẻ em trong năm 2016, có tới 36.000 trường hợp lạm dụng về tình dục. 

Xâm hại tình dục trẻ em gái và phụ nữ đã trở thành vấn đề xã hội gay gắt ở Ấn Độ. Không chỉ những kẻ biến thái thông thường, trong một số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ, tội phạm thậm chí là những kẻ đức cao vọng trọng. Mới đây, một nghị sĩ thuộc Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi đã bị bắt giữ sau khi cưỡng hiếp một nữ sinh ở bang Uttar Pradesh.

Nhiều vụ cưỡng hiếp làm chấn động không chỉ dư luận Ấn Độ mà còn cả thế giới. Tháng 12-2012, vụ việc một cô gái qua đời sau khi bị tra tấn và hãm hiếp tập thể trên xe buýt đã làm nổ ra hàng loạt các cuộc biểu tình trên khắp đất nước Ấn Độ, khiến cả thế giới bàng hoàng. Năm 2016, vụ một bé gái 8 tuổi theo đạo Hồi bị cưỡng hiếp tập thể đã khiến nhiều người tức giận và chỉ trích chính phủ.

Trước thực trạng đáng ngại của nạn cưỡng hiếp phụ nữ, chính quyền New Delhi đã cố gắng ngăn chặn các thảm cảnh tương tự tái diễn thông qua các biện pháp trừng phạt. Luật của Ấn Độ hiện có 12 tội phạt tử hình, trong đó có tội hãm hiếp nếu nó dẫn đến cái chết của nạn nhân hoặc nạn nhân bị rơi vào trạng thái sống thực vật. Tuy nhiên, không có án tử hình cho tội hãm hiếp, kể cả với đối tượng tấn công trẻ em. Hình phạt tối đa cho việc hiếp dâm trẻ em là tù chung thân và nộp tiền phạt. 

Vì thế, nhiều người Ấn Độ cho rằng chính phủ thất bại trong việc ngăn chặn nạn hiếp dâm, nhất là với trẻ em gái. Tình trạng căng thẳng đến mức bùng phát những phản ứng cực đoan như việc người dân ném đá đến chết kẻ hiếp dâm trẻ em. Hay như bang Madhya Pradesh tự thông qua dự luật cho phép tử hình với những tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi. Bang Rajasthan thì quyết định thành lập các đơn vị cảnh sát toàn nữ chuyên tuần tra các bến xe buýt, trường đại học và công viên, những nơi phụ nữ dễ bị quấy rối tình dục.

Trước sự giận dữ của người dân và trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi buộc phải mạnh tay với “quốc nạn” hiếp dâm. Theo sắc lệnh mới mà Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua, một số điều khoản trong luật hình sự nước này liên quan đến tội hiếp dâm sẽ được điều chỉnh theo hướng cứng rắn hơn. Các quan chức Ấn Độ tiết lộ ngoài án tử hình, sẽ tăng án tù tối thiểu từ 10 năm lên 20 năm với những kẻ cưỡng hiếp trẻ em gái dưới 16 tuổi hay tăng từ 7 lên 10 năm tù với tội hiếp dâm phụ nữ. 

Trước mắt, đạo luật này sẽ phải đợi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phê duyệt mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đã đến lúc Ấn Độ phải mạnh tay với tội phạm đang hủy hoại nền văn hóa và hình ảnh của đất nước này.