Ấn Độ phóng thành công tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân

ANTĐ - Ngày 17-10, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa hành trình cận âm sản xuất trong nước Nirbhay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ một bãi thử ở bang Odisha, miền Đông nước này.

Các nguồn tin quân sự nước này cho biết: “Vụ phóng thử tên lửa đất đối đất này được tiến hành từ bãi phóng thử hỗn hợp ở Chandipur vào lúc 10 giờ sáng (theo giờ địa phương) đã thành công”.

Các kênh truyền hình địa phương đã chiếu những hình ảnh của tên lửa hành trình Nirbhay rời bệ phóng như một tên lửa, và sau đó khác với tên lửa thông thường ở chỗ, Nirbhay bay như một máy bay với cánh ở thân và ở đuôi.

Theo các nguồn tin trên, tên lửa hành trình Nirbhay do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ chế tạo có thể bay ở độ cao chỉ tầm ngang ngọn cây nên khiến radar của đối phương không thể phát hiện được tên lửa đang bay.

                    Ấn Độ phóng thành công tên lửa hành trình Nirbhay (Minh họa)

Với tầm bắn 1.000km, tên lửa này có khả năng tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ của đối phương. Nguồn tin cho biết thêm rằng, khi hệ thống định vị vệ tinh của nước này đi vào hoạt động, các tên lửa hành trình có thể được điều khiển bởi các tín hiệu từ hệ thống vệ tinh vũ trụ của nước này.

Theo giới chuyên gia, tên lửa hành trình Nirbhay của Ấn Độ có sức mạnh tương đương với tên lửa hành trình đối đất Tomahawk của Mỹ và tên lửa hành trình Babur của Pakistan.

Trước đó, hồi tháng 3 năm ngoái, nước này đã tiến hành phóng thử một quả tên lửa hành trình Nirbhay, nhưng không thành công khi tên lửa đã bay trệch quỹ đạo bay sau khi phóng khoảng 20 phút.