Ấn Độ ngăn chặn âm mưu thao túng quyền lực của Trung Quốc

ANTĐ - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang được các tờ báo hàng đầu nước này ca ngợi khi ông chống lại âm mưu thao túng quyền lực của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về việc thành lập Ngân hàng phát triển BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ tham dự hội nghị cấp cao BRICS tại Brazil vào tuần tới

Truyền thông Ấn Độ ngày  7-7 đưa tin, lãnh đạo hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cùng các nước thành viên của BRICS đang có những tuần đàm phán cuối cùng trước khi chính thức công bố thành lập Ngân hàng phát triển BRICS. Tiến trình đàm phán đã ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc nhằm “thống trị” thể chế cho vay mới này thông qua việc bơm nhiều tiền vào ngân hàng hơn so với đề nghị của Ấn Độ. Theo đó, dự kiến, Ngân hàng phát triển BRICS có quy mô vốn 50 tỷ USD, mỗi thành viên góp 10 tỷ USD, tối đa 50 tỷ USD. Nhưng Trung Quốc đề xuất được tăng tỉ lệ đóng góp, đẩy quy mô vốn lên 100 tỷ USD, kèm theo đó là đề nghị lấy Thượng Hải làm trụ sở chính của cơ quan này. Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc.

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 6-7 cho biết, sở dĩ Trung Quốc đưa ra đề xuất muốn được góp vốn nhiều hơn các nước để Bắc Kinh có quyền kiểm soát lớn hơn đối với các hoạt động của ngân hàng BRICS. Tờ Times of India nhận định: “Những kĩ năng ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích cho Ấn Độ của ông Modi sẽ được kiểm nghiệm khi ông Tập Cận Bình âm mưu muốn biến BRICS thành một diễn đàn từ đó đẩy mạnh vị thế toàn cầu của Trung Quốc”. 

Dự kiến trong tuần tới, các lãnh đạo 5 nước thành viên sẽ có cuộc gặp tại Fortaleza, Brazil để đưa ra tuyên bố thành lập ngân hàng của nhóm. Các quan chức Brazil nói với hãng Reuters, ngân hàng này dự kiến sẽ bắt đầu cho vay vào năm 2016.

Ngân hàng phát triển BRICS được thành lập để chống lại ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ trong hệ thống cho vay khu vực và toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên của BRICS nhiều năm qua đã liên tục đưa ra kêu gọi cải cách hệ thống cho vay toàn cầu.