Ấn Độ nâng cấp Kilo 877EKM tương đương Kilo 636 Việt Nam

ANTĐ - Ấn Độ đang đàm phán với Nga về việc nâng cấp các tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka mà nước này đã mua của Liên Xô/Nga hồi cuối thế kỷ trước, lên mức tương đương Kilo 636 Việt Nam.

Hôm 29-3, ông Anatoly Punchuk, Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật quân sự của Nga cho biết, các hợp đồng xuất khẩu vũ khí mà nước này đang thực hiện có trị giá tới 54 tỷ USD, đặc biệt là sau chiến dịch chống khủng bố ở Syria, nhu cầu mua vũ khí Nga tăng kỷ lục.

Ông Punchuk tiết lộ thông tin trên trong khi đang dẫn đầu phái đoàn công nghiệp quốc phòng Nga tham dự Triển lãm vũ khí FIDAE-2016 ở Santiago (Chile).

Tại triển lãm, hãng Rosoboronexport đang thực hiện loạt các cuộc đàm phán với đại diện cấp cao lực lượng vũ trang Argentina, Brazil, Colombia, Peru, Uruguay, Chile và nhiều nước trong khu vực.

Ngoài vấn đề chào hàng những mẫu mã các sản phẩm quân sự và bán quân sự đã hoàn chỉnh, các bên sẽ thảo luận việc cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ sau bán hàng đối với các thiết bị của Nga, triển vọng tổ chức các hoạt động liên doanh và cấp phép sản xuất.

Một thông tin bên lề có liên quan là việc Nga và Ấn Độ đang thảo luận về vấn đề hiện đại hóa các tàu ngầm diesel-điện Project 877EKM, lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) và đàm phán thuê thêm một chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga trong thời gian tới.

Ông Vladimir Drozhzhov - Phó Giám đốc cơ quan hợp tác kĩ thuật quân sự liên bang Nga (FSMTC) ngày 30-3 cho biết, sau khi đã thuê một tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Project 971 lớp Akula (năm 2012, với thời hạn 10 năm), có khả năng Ấn Độ sẽ tiếp tục thuê chiếc thứ 2.

Ngoài ra, nước này còn đang đang đàm phán với Nga để hiện đại hóa số tàu ngầm diesel-điện Project 877EKM đã sử dụng từ 15-30 năm lên chuẩn Project 636, tương đương Kilo 636 Việt Nam.

Ấn Độ nâng cấp Kilo 877EKM tương đương Kilo 636 Việt Nam ảnh 1Tàu ngầm diesel-điện Project 877EKM của hải quân Ấn Độ sẽ được nâng cấp lên tương đương Kilo 636 Việt Nam

“The Times of India” cho biết, lực lượng tàu ngầm thông thường của Ấn Độ đang “già” đi nhanh chóng. Hiện hải quân nước này có tổng cộng 13 tàu ngầm thông thường, gồm 3 tàu ngầm của Đức và 10 tàu ngầm Kilo 877EKM đặt mua của Liên Xô/Nga trong thế kỷ trước.

Trong đó, 8 chiếc đầu tiên được Liên Xô bàn giao trong giai đoạn 1986-1991, 2 chiếc còn lại lần lượt được Nga bàn giao tiếp vào năm 1997 và 2000.

Tuy nhiên, 10 tàu ngầm Kilo của Ấn Độ có thể chỉ còn 9, do chiếc thứ 5 là S-63 INS Sindhurakshak mới hoàn thành nâng cấp vào tháng 1-2013, thì chỉ sau đó 7 tháng nó đã bị chìm sau khi ngư lôi phát nổ gây cháy. Sau khi trục vớt, do con tàu bị hỏng quá nặng nên rất khó phục chế.

Được biết, các tàu ngầm lớp Varshavyanka là tàu ngầm động cơ thông thường thế hệ thứ 3 của Liên Xô/Nga, có lượng giãn nước đầy tải 3.950 tấn, độ lặn sâu 300 mét, tốc độ bơi trong nước là 20 hải lý/h, khả năng hành trình liên tục 45 ngày, với thủy thủ đoàn 52 người.

Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, gồm ngư lôi, thủy lôi. Hệ thống này còn có thể phóng tên lửa hành trình Calibr (phiên bản xuất khẩu là Club-S), với 2 biến thể đối hạm 3M-54E và biến thể tấn công mặt đất 3M-14E, có tầm phóng 290km.

Các tàu ngầm Kilo còn có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa gấp 3-4 lần so với khả năng của đối phương. Đồng thời, tàu có khả năng "tàng hình" khi có độ ồn của động cơ và chân vịt cực thấp, do đó, tàu ngầm này đã được NATO gọi là "hố đen của đại dương" (Black Hole).

Tàu ngầm Kilo S-61 INS Sindhukirti của hải quân Ấn Độ

Hiện nay, Moscow và New Dehli là đối tác lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, Ấn Độ đã nhiều năm liên tiếp vượt mặt Trung Quốc để trở thành khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.
Hiện hơn 70% vũ khí, trang bị của lục quân, không quân và hải quân Ấn Độ là do Liên Xô/Nga chế tạo. Tổng kim ngạch mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Nga của nước này lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.

Tuy trong thời gian gần đây Ấn Độ đã đa dạng hóa nguồn cung cấp trang bị quân sự nhưng cơ bản là New Dehli chỉ mua thiết bị bảo đảm cho hoạt động của quân đội từ Mỹ và châu Âu, còn các vũ khí tác chiến chủ yếu thì nước này vẫn mua từ Nga.